Đột phá để phát triển bền vững, xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới

Trong thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông, các diễn đàn, các cuộc hội nghị, sự kiện quan trọng, các chuyên trang của các báo, tạp chí, đều nhắc nhiều đến Nghị quyết số 58- NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây Nghị quyết mang tính lịch sử, mở đường và tạo cơ chế để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững.

Có 6 lý do, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58- NQ/TW, trong đó nhấn mạnh về lợi thế tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, quốc phòng an ninh, đồng thời là vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều đóng góp lớn trong kháng chiến. Nhất là trong 10 năm qua (giai đoạn 2010-2020), Thanh Hóa có nhiều đột phá phát triển: Đột phá về tăng trưởng, về thu ngân sách, về thu hút vốn đầu tư, quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm đầu cả nước. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58- NQ/TW sẽ giúp Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới với tác động cộng hưởng, lôi kéo, thúc đẩy kinh tế vùng cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, giảm áp lực cho thủ đô về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, giảm áp lực cho ngân sách Trung ương; trở thành hình mẫu về phát triển hài hòa, nhanh, bền vững. Có thể nói, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58- NQ/TW là hiện thực hoá lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm Thanh Hóa năm 1947: “Tỉnh Thanh Hoá theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, thì nhất định được, vì người đông, đất rộng, của cải nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt”.

 Về kết cấu, nội dung của Nghị quyết ngắn gọn, khoa học, mang tầm chiến lược thể hiện tầm nhìn của Trung ương dành cho sự phát triển hiện tại và tương lai của Thanh Hóa, đúng với tinh thần: cả nước vì Thanh Hóa, Thanh Hóa vì cả nước.

Nghị quyết nêu rõ kết quả ấn tượng của Thanh Hóa sau 10 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp: Kinh tế tăng trưởng cao, đạt mức bình quân hơn 10%/năm, đứng đầu các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế và yếu kém của Thanh Hóa trong phát triển kinh tế- xã hội: Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, Ban dự báo vĩ mô thuộc trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia được công bố tại hội thảo quốc gia Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra những số liệu đáng chú ý: Quy mô kinh tế tăng gần gấp 2 lần sau 10 năm, quy mô kinh tế của tỉnh năm 2011 đạt 55 nghìn tỷ đến năm 2019 đạt 120 nghìn tỷ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh trong 10 năm từ 2011 đến năm 2019, bình quân đạt mức 10.1% (cao hơn mức tăng trung bình cả nước 6,78%).

Tuy nhiên, chỉ số GRDP bình quân đầu người trong mười năm qua vẫn thấp so với mức trung bình của cả nước. Cụ thể, bình quân đầu người của tỉnh ta năm 2010 đạt 15 triệu đồng/1 người/năm (cả nước là 25 triệu đồng/1 người/năm). Đến năm 2019 đạt 54 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước 63 triệu đồng/người/năm).

Nghị quyết số 58- NQ/TW đã thể hiện một nội dung rất mới, hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ kính yêu, đó là: Xây dựng và phát triển Thanh Hoá trở thành tỉnh kiểu mẫu, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Thanh Hoá nhanh và bền vững với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn... bảo đảm hài hoà và cân đối giữa các vùng, miền, nhất là giữa vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi; giữa thành thị và nông thôn. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững; giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo. Đây là quan điểm thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương định hướng cho Thanh Hóa.

Trong vòng 10 năm qua, mặc dù đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP của tỉnh ta có cải thiện, nhưng nhìn chung khi so với mức bình quân chung của cả nước vẫn ở mức thấp hơn đáng kể.  Năm 2010, đóng góp của TFP vào GRDP của tỉnh đạt 9,7%, thấp hơn cả nước (12,2%); năm 2019, con số này là 38,84%, cả nước 46,11%. Xét theo các thành phần đóng  góp của TFP cho thấy tỷ trọng đóng góp của hiệu quả do thay đổi công nghệ là tương đối thấp ( chỉ khoảng 8% trong giai đoạn 2010-2018, chủ yếu là do đóng góp của hiệu quả kỹ thuật (do sử dụng vốn và lao động) khoảng gần 90%. Như vậy để thấy, mô hình tăng trưởng của Thanh Hóa vẫn là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố vốn. Hiệu quả vốn đầu tư thấp, cụ thể hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR- tức là cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư để tăng thêm 1 đồng tổng sản phẩm) giai đoạn 2015-2019 bình quân là 9,6 cao hơn mức 6,14 của cả nước).

Theo các chuyên gia nhận định, có 3 kịch bản dự báo phát triển kinh tế- xã hội từ nay đến năm 2030: trung bình, cao và thấp. Căn cứ vào mục tiêu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 8.990 USD trở lên, nghĩa là tính bình quân giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng GRDP phải đạt từ trên 10% trở lên.

Để thực hiện được những mục tiêu đó, tỉnh Thanh Hóa cần có quyết tâm chính trị rất lớn, huy động được sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp có quan hệ chặt chẽ và logic với nhau, về bản  chất là 3 đột phá chiến lược sau: thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Đột phá về thể chế thể hiện ở năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính công, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy biên chế. Hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Rõ ràng, muốn đến năm 2025, tỉnh ta có các thứ hạng cạnh tranh theo chuẩn quốc gia trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước thì cần phải có những  đột phá thực sự về tính minh bạch, tính năng động của chính quyền, về dịch vụ đào tạo lao động và chất lượng các dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho Doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường.

Kết tinh tầm nhìn chiến lược của Trung ương dành cho Thanh Hóa, Nghị quyết số 58- NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành có ý nghĩa như kim chỉ nam, soi đường để Thanh Hóa vạch ra kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện mục tiêu trong 5 năm tới. Với sự phát triển bền vững, Thanh Hóa sẽ trở thành tỉnh kiểu mẫu của cả nước, làm sáng rõ con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở một mô hình một tỉnh cụ thể như tinh thần bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Đó là sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên và một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân.

Thu Hường - Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa
Truy cập
Hôm nay:
1577
Hôm qua:
1826
Tuần này:
7188
Tháng này:
52502
Tất cả:
2567538