Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy từ thực tiễn Đảng bộ cơ sở
Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ là một nội dung cơ bản, quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Chất lượng sinh hoạt cấp uỷ là yếu tố trực tiếp góp phần tạo nên sự trong sạch vững mạnh, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; đồng thời nâng cao nhận thức, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp uỷ.
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, đòi hỏi phải thực hiện tốt một số yêu cầu cơ bản đó là: (i) Duy trì nền nếp sinh hoạt cấp ủy, tuân thủ nguyên tắc, quy định, quy trình, phương pháp tổ chức sinh hoạt. (ii) Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) trở thành nội dung chủ đạo, thường xuyên trong sinh hoạt cấp ủy. (iii) Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; đảm bảo tính khoa học, bài bản, nghiêm túc, có chất lượng.
Những thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ tại Đảng bộ cơ sở: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đã giúp cho việc tiếp cận những thông tin về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mục tiêu kế hoạch của các Bộ, Ngành đến với các tổ chức cơ sở đảng một cách nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời. Phần lớn tổ chức cơ sở đảng hiện nay đã thực hiện chủ trương “Bí thư cấp uỷ đồng thời là Lãnh đạo chính quyền của cơ quan, đơn vị”. Đó là những thuận lợi không nhỏ, giúp cho công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, nhất là trong việc thu thập, trao đổi thông tin trong cấp uỷ và giải quyết mối quan hệ trao đổi thông tin giữa bí thư cấp ủy với lãnh đạo chính quyền của cơ quan, đơn vị để lựa chọn vấn đề, xác định chính xác nội dung sinh hoạt, thống nhất quan điểm giải quyết vấn đề và mục tiêu trước khi đưa ra cấp ủy xem xét, thảo luận, quyết định.
Một số khó khăn: Do tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trên thế giới hiện nay liên tục có những biến động khó lường, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành thường xuyên phải đề ra các chủ trương, quyết sách, mục tiêu, chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công, góp phần giữ vững sự ổn định về an ninh - chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ đó dẫn đến việc các cấp uỷ Đảng phải tăng tần suất hoạt động, triển khai phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, quyết sách, mục tiêu đã được Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành đề ra. Đó là những khó khăn đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ hiện nay.
Sau gần 5 năm thực hiện các Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương, số 03-HD/TU ngày 29/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và số 05-HD/ĐUK ngày 02/02/2021 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh về một số nội dung nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; Việc sinh hoạt cấp uỷ ngày càng nghiêm túc, nền nếp hơn, nguyên tắc sinh hoạt được đảm bảo; tinh thần trách nhiệm, phương pháp điều hành, năng lực tổ chức của cấp uỷ được nâng lên, tinh thần phê bình và tự phê bình được phát huy, nội bộ đoàn kết; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ngày được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, đó là: Chất lượng, nội dung, quy trình sinh hoạt cấp uỷ ở một số chi bộ chưa cao, còn mang nặng tính sinh hoạt chuyên môn về lĩnh vực ngành nghề mình quản lý. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa tạo được sự chuyển biến sâu sắc tại một số tổ chức cơ sở Đảng. Nguyên nhân là do một số cấp uỷ, bí thư cấp uỷ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt cấp uỷ; năng lực vận dụng, cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng chưa tốt; kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tổ chức sinh hoạt cấp uỷ chưa cao; việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cấp trên có lúc, có nơi chưa thường xuyên, quyết liệt.
Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn cơ sở:
Một là, cấp ủy phải thường xuyên quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên. Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, cơ quan, đơn vị và trong quản lý, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đảng viên, trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ.
Hai là, chú trọng xây dựng đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là đồng chí bí thư chi bộ cần có trách nhiệm và tâm huyết, có kiến thức và kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ, có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ của chi bộ. Quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là việc nắm bắt và đề xuất chủ trương, biện pháp giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh ở cơ sở.
Ba là, cấp uỷ cấp trên trực tiếp phải thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo và định kỳ kiểm tra việc thực hiện chế độ sinh hoạt chi bộ. Thực hiện tốt nề nếp và chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, mở rộng dân chủ, thực hiện tốt phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng và với học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Làm tốt công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cho Đảng viên phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị; Gắn việc xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh với củng cố, kiện toàn tổ chức đảng yếu kém.
Bốn là, cấp ủy viên, nhất là bí thư chi bộ phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình TCCSĐ; xây dựng và thực hiện tốt quy chế hoạt động của chi bộ. Thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm, toàn khóa. Trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên và Điều lệ Đảng, việc thực hiện quy trình đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm, công tác khen thưởng, kỷ luật trong Đảng.
Trên thực tế hiện nay, không ít cấp ủy còn để xảy ra tình trạng trong quá trình chuẩn bị nội dung sinh hoạt, bí thư cấp ủy do những nguyên nhân khác nhau nên không thực hiện đầy đủ quy trình chuẩn bị nội dung sinh hoạt, dẫn đến việc giản đơn, qua loa, đại khái trong quá trình chuẩn bị nội dung sinh hoạt cấp uỷ. Từ đó dẫn đến chất lượng sinh hoạt cấp uỷ thấp, trong buổi sinh hoạt thiếu định hướng chính xác, có nhiều ý kiến trái ngược không đi đến thống nhất.
Trong sinh hoạt của một số cấp ủy, các đồng chí cấp uỷ viên ít tham gia phát biểu thảo luận, bày tỏ chứng kiến của mình. Hiện tượng xuôi chiều, thủ tiêu đấu tranh, lấy “nhất trí” là chủ yếu diễn ra khá phổ biến trong sinh hoạt, người chủ trì không định hướng thảo luận để cấp uỷ viên phát biểu. Tình trạng đó dẫn đến việc đưa ra các quyết định chất lượng không cao, nghị quyết được ban hành, song việc tổ chức thực hiện nghị quyết không nghiêm túc. Cá biệt có nơi, trong sinh hoạt phê bình đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể, cán nhân cán bộ cấp uỷ, nhưng do cục bộ, bản vị, bè phái nên các ý kiến phát biểu lại quy về nguyên nhân khách quan để bao che, bưng bít cho hạn chế, khuyết điểm.
Trong thực tế, nhận thức của không ít cán bộ cấp uỷ về nguyên tắc tập trung dân chủ chưa đầy đủ, vận dụng trong hoạt động thực tiễn chưa đúng, còn có những biểu hiện vi phạm nguyên tắc, lúng túng khi vận dụng trong thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nguyên tắc ở đảng bộ, chi bộ. Một số cấp uỷ, tổ chức Đảng chưa coi trọng việc xây dựng và bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định lãnh đạo, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng bộ, chi bộ.
Các giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ:
Một là, nâng cao chất lượng thực hiện quy trình chuẩn bị nội dung sinh hoạt của cấp ủy. Việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt rõ ràng, cụ thể, tỷ mỷ, sát với vấn đề cần thảo luận, quyết định,… là cơ sở bước đầu bảo đảm cho buổi sinh hoạt có chất lượng. Đối với Đảng ủy cơ sở có ban thường vụ cấp ủy, thì nội dung sinh hoạt phải do ban thường vụ chuẩn bị; đối với đảng ủy cơ sở không có ban thường vụ cấp ủy, thì nội dung sinh hoạt do bí thư và phó bí thư cấp ủy trực tiếp chuẩn bị.
Hai là, nâng cao chất lượng buổi sinh hoạt cấp uỷ. Trong sinh hoạt, các vấn đề đã được chuẩn bị đưa ra thảo luận trong tập thể cấp ủy phải được báo cáo đầy đủ, rõ ràng, đúng với những vấn đề đã thảo luận, trao đổi thống nhất giữa bí thư cấp ủy với lãnh đạo chính quyền của cơ quan, đơn vị. Việc gợi ý thảo luận phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đi sâu và nhấn mạnh những vấn đề trọng tâm, những vấn đề nhất thiết phải được thảo luận kỹ và biểu quyết theo đa số.
Người chủ trì trong quá trình điều hành thảo luận phải bám sát những vấn đề trọng tâm; Phải tạo ra được bầu không khí dân chủ, thẳng thắn, phát huy cao nhất trách nhiệm của các cấp ủy viên tham gia bày tỏ chứng kiến, quan điểm để xây dựng nghị quyết.
Ba là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai mặt tập trung và dân chủ trong sinh hoạt cấp uỷ. Đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, nguyên tắc này xuyên suốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, trong sinh hoạt Đảng và trong mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng. Tập trung và dân chủ là hai mặt của nguyên tắc có mối quan hệ thống nhất, tác động biện chứng với nhau. Trong hoạt động lãnh đạo, nhờ có nguyên tắc tập trung dân chủ mà các cấp ủy, tổ chức đảng mới ra được các quyết định đúng đắn trên cơ sở biểu quyết theo đa số. Dân chủ trong Đảng là dân chủ tự giác, có mục đích, có định hướng; thực hành dân chủ để tìm ra cái đúng, tìm ra chân lý và đi đến thống nhất cao về ý chí và hành động.
Nắm vững và giải quyết mối quan hệ giữa hai mặt của nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ.
Hoàng Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hoá
- Dự sinh hoạt chuyên đề
- Chi bộ phòng Kỹ thuật – Thẩm định sinh hoạt định kỳ tháng 8 năm 2024
- Kết quả và kinh nghiệm trong xây dựng văn hóa trường đảng ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
- Chi bộ Phòng Nghiệp vụ III, Đảng bộ CQ UBKT Tỉnh ủy tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý III năm 2024
- Chi bộ trung tâm tư vấn quy hoạch, thị trường và chiến lược phát triển nông nghiệp thuộc đảng bộ Viện nông nghiệp Thanh Hóa tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý II/2024
- Chi bộ Phòng Đầu tư và Doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sinh hoạt định kỳ tháng 7/2024
- Chi bộ Phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý 2/2024.
- Nhiệm vụ của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại Chi bộ Văn phòng cơ quan Liên động Lao động tỉnh
- Đảng bộ Cục Hải quan Thanh Hóa sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024