Xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện” - Từ thực tiễn ở Thành phố Thanh Hoá

Xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện” là một trong ba chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ thành phố Thanh Hoá lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Để hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Thanh Hoá trong thực tiễn, thời gian qua Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Thanh Hoá nỗ lực, quyết tâm triển khai và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tập trung chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố. Đặc biệt Ban Chấp hành Đảng bộ thàn phố đã ban hành Quyết định số 151- QĐ/TU ngày 22/01/2021 của Ban Chấp hành về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI về đẩy mạnh xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện” giai đoạn 2021 – 2025; theo đó, Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 287/KH-UBND, ngày 09/4/2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động về đẩy mạnh xây dựng "Đô thị văn minh, công dân thân thiện", Kế hoạch số 687/KHUBND ngày 16/7/2021 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện triển khai sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, phường, xã trên địa bàn; đồng thời cụ thể hóa ban hành 01 quyết định, 07 kế hoạch, 03 hướng dẫn chỉ đạo, triển khai sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, phường, xã trên địa bàn. Với tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ và chính quyền thành phố, nên công tác phối kết hợp trong triển khai thực hiện “Đô thị văn minh, công dân thân thiện” giữa các phòng, ban, ngành chức năng của thành phố với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, với những cách làm bài bản, cụ thể đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh ở mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Nội dung thực hiện xây dựng "Đô thị văn minh, công dân thân thiện" trở thành một trong những tiêu chí bình xét thi đua hàng năm, tiêu chí đánh giá danh hiệu đơn vị, Tổ dân phố, thôn và gia đình văn hóa trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nên đã đem lại nhiều kết quả, nổi bật:

1. Đối với xây dựng “Đô thị văn minh”: về công tác Quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng được quan tâm thực hiện với quyết tâm cao. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, thành phố đã đầu tư và hoàn thành 163 dự án, 76 dự án đã triển khai và tiếp tục đầu tư; vận động Nhân dân hiến 18.250m2 đất ở, 10.300m2 đất nông nghiệp với tổng số tiền trên 92 tỷ đồng; tự tháo dỡ công trình trên đất trị
giá hơn 11 tỷ đồng; đóng góp 8,6 tỷ đồng và đóng góp ngày công để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa rộng, tạo động lực phát triển
kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân và bảo đảm phát
triển hài hòa giữa các phường, xã nhằm từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng
thành phố đến năm 2025 trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước.

Công tác đảm bảo trật tự đô thị, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông được duy trì thường xuyên, liên tục: Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành và triển khai thực hiện nhiều Kế hoạch, phương án về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố; việc giám sát các công trình xây dựng, các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn thành phố được chú trọng, tổ chức nhiều đợt kiểm tra việc thực hiện quy hoạch ở hầu hết các mặt bằng quy hoạch đang triển khai thực hiện. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường theo Chỉ thị số 10/CTUBND ngày 17/02/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa; Thông báo kết luận số 578- TB/TU ngày 08/4/2022 của Thường trực Thành ủy và Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 19/3/2019 của UBND thành phố; ban hành 12 phương án và ra quân thực hiện các phương án về tổ chức lực lượng xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ; xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, các vi phạm về dựng rạp đám cưới, đám tang và đặt biển quảng cáo trái phép, sai quy định. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường đi vào nề nếp; công tác xây dựng văn minh thương mại, phát triển sản phẩm OCOP và vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng…

2. Đối với xây dựng “Công dân thân thiện”: Việc xây dựng nếp sống văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Hằng năm có trên 90% các hộ gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”, 100% phố, thôn đăng ký xây dựng danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được cấp ủy, chính quyền và công đoàn các cấp quan tâm triển khai. Đến nay, có 72/145 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa lần đầu; phối hợp với Ban Chỉ đạo tỉnh xét công nhận cho 29 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt chuẩn văn hóa giai đoạn; có 22/30 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Xây dựng các tập thể, cá nhân kiểu mẫu, xây dựng chính quyền dân
vận khéo vì nhân dân phục vụ đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đến nay, thành phố có 76/204 phường, xã, cơ quan đạt tiêu chí kiểu mẫu đạt 37,2% (vượt 2,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra). Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh có nhiều tiến bộ, cơ bản đi vào nền nếp, từng bước thay đổi về nhận thức, hành vi của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn thành phố, 100% các hộ gia đình có đám cưới, đám tang đã thực hiện ký cam kết với Uỷ ban nhân dân phường, xã và chấp hành nghiêm các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Việc thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện” Nổi bật là 11 nội dung thông điệp cuộc vận động thực hiện
nếp sống văn minh đô thị, kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm đã góp phần hình
thành nên những chuẩn mực văn hóa, văn minh mới trong đời sống xã hội của người
dân thành phố. 34/34 phường, xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện và xác định rõ đây là cuộc vận động lớn, lâu dài cần có sự chỉ đạo kiên trì, tập trung quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, bài bản, cụ thể hóa các nội dung cuộc vận động thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Thông qua các hình thức để đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đặc biệt là tuyên truyền trực quan, qua mạng xã hội, tờ rơi, tổ chức hội nghị để cuộc vận động đi vào chiều sâu, lan tỏa đến từng người dân, từng cơ quan, đơn vị, phố, thôn. 311/311 phố, thôn tổ chức hội nghị triển khai và thông tin tuyên truyền đến Nhân dân trên địa bàn; các cơ quan, đơn vị, trường học triển khai đến cán bộ, nhân viên, người lao động, học sinh, sinh viên...

Có thể khẳng định, từ kết quả “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện” diện mạo thành phố ngày càng khang trang, hiện đại, sạch đẹp; con người thành phố hành xử thân thiện, lịch sự, văn minh, tạo ra giá trị mới trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, con người thành phố Thanh Hoá.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được việc xây dựng “Đô thị văn minh công dân thân thiện” ở Thành phố Thanh Hoá cũng còn những hạn chế như: Một số địa phương còn lúng túng trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, chưa cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể gắn với nhiệm vụ chính
trị và tình hình thực tiễn của địa phương; tổ chức thực hiện  có lúc, có nơi còn hình thức, chưa có chuyển biến rõ nét trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền. Công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình trong xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện chưa được tổ chức thường xuyên. Công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông chưa
đáp ứng được yêu cầu. Một số thành viên Ban chỉ đạo thành phố, đảng ủy viên phường, xã chưa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện cuộc vận động tại địa phương, đơn vị được giao phụ trách, còn có biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Uỷ ban nhân dân thành phố, cấp ủy, chính quyền phường, xã.

Để tiếp tục “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện” trên địa bàn, trong thời gian tới thành phố Thanh Hoá tập trung làm tốt một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ thành phố Thanh Hoá lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 về “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện, trọng tâm là thực hiện tốt Cuộc vận động “Người dân thành phố nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện” nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức thành hành động cụ thể, hình thành nếp sống và xây dựng hình ảnh người dân thành phố Thanh Hóa văn minh, hiện đại, thân thiện; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị thành phố ngày càng hiện đại, thông minh, sạch đẹp. Theo đó, cần phải đổi mới, đa dạng hoá phương thức tuyên truyên trên các phương tiện truyền thông (pano, apbich, đài truyền thanh, truyền hình…); thông qua các hội nghị, diễn đàn, gương người tốt, việc tốt để lan toả hình ảnh đẹp, hành động thân thiện, các mô hình đổi mới sáng tạo;ứng dụng các nền tảng số trên các thiết bị thông minh (Zalo, facebook, fanpage…).

Thứ hai, Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức – chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp trong công tác phối hợp thực hiện có hiệu quả xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện. Phát huy trách nhiệm xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp gắn với xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện; phát huy trách nhiệm, gương mẫu, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ gắn với xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện. Tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của công dân, gia đình, dòng họ; tạo sự đồng thuận của Nhân dân và xã hội.

Thứ ba, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, điều hành quản lý của chính quyền, việc thực hiện phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; việc tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Kịp thời sơ kết, tổng kết để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, rút ra kinh nghiệm và đề xuất giải pháp; mặt khác, biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng, lan toả các mô hình đổi mới sáng tạo, lời hay, hình ảnh đẹp, hành động thân thiện, với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” góp phần xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện” thành phố Thanh Hoá.

Thứ tư, Tăng cường biện pháp, giải pháp quản lý quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng; quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Người dân thành phố
Thanh Hóa, nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện”.

Tóm lại, Xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện” trong thời gian qua ở thanh phố Thanh Hoá mới chỉ là kết quả bước đầu. Bởi vậy, đỏi hỏi phải có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cấp uỷ Đảng, chính quyền cả hệ thống chính trị và Nhân dân để sớm hiện thực hoá chương trình trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu xây dựng thành phố xanh, thông minh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, cơ bản đồng bộ, từng bước hiện đại./.

                                            ThS.Phạm Bá Thịnh - Khoa Lý luận cơ sở
Truy cập
Hôm nay:
541
Hôm qua:
2043
Tuần này:
11392
Tháng này:
52092
Tất cả:
2090132