Công tác kiểm tra, giám sát góp phần đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên

 

       Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh hiện nay có 89 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (70 đảng bộ, 19 chi bộ cơ sở) với 8.590 đảng viên. Có 827 cấp ủy viên cơ sở, trong đó có 229 cấp ủy viên là trưởng, phó ngành, đơn vị cấp tỉnh (29,4%). Bí thư cơ sở là trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh có 64 người. Bí thư đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở là thủ trưởng đơn vị, trưởng phòng, ban, bộ phận có 726/796 người (91,2%). 
       Trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng từng bước được nâng lên. Đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong Khối đều kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc; phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và có ý chí phấn đấu vươn lên; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - chính tri - xã hội trên phạm vi toàn tỉnh. Song, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống biểu hiện len lỏi trong cán bộ, đảng viên và trong cả các tổ chức đảng như: tư tưởng cầm chừng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ngại học tập lý luận chính trị; chưa tận tụy trong công việc, gây phiền hà, sách nhiễu trong thực thi nhiệm vụ. Lối sống vị kỷ, vụ lợi, cơ hội, bệnh thành tích, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, mất đoàn kết. Một số cán bộ lãnh đạo quản lý có biểu hiện sống thực dụng, cá nhân, vụ lợi, tham nhũng; buông lỏng trong quản lý cán bộ, đảng viên nên để xảy ra những sai phạm. Một số đồng chí cấp ủy viên chưa thể hiện được tính toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo; hạn chế trong việc tham gia ý kiến, chỉ tham gia ý kiến ở lĩnh vực công tác mình phụ trách; chưa chủ động đề xuất những vấn đề thực tế nảy sinh ở cơ sở để giải quyết; ít đi cơ sở; ít tiếp xúc để nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên trong đơn vị. Trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, kiểm điểm cuối năm tuy các cấp ủy đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm nhưng những hạn chế, khuyết điểm của từng cá nhân các đồng chí ủy viên vẫn chưa được chỉ ra hết để khắc phục, nhất là những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Có thể thấy những việc liên quan sai phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay xuất hiện chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, kiểm lâm, y tế, giao thông... Trong đó, có nhiều vụ việc cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng, như một số vụ công chức kiểm lâm nhận tiền hối lộ; một số viên chức ngành y tế lợi dụng vị trí việc làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp; một số công chức Thanh tra nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp; một số cán bộ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân; cá độ bóng đá, đánh bài, đánh bạc, vi phạm pháp luật bị án tù; có những công chức công tác tại bộ phận “một cửa”, Trung tâm Hành chính công có biểu hiện hách dịch, rề rà, gây khó dễ cho các cá nhân, doanh nghiệp đến liên hệ công tác... Bên cạnh đó, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết công việc sai quy định, hướng dẫn, giải thích công việc cho người dân một cách lòng vòng, khó hiểu, thái độ làm việc hời hợt, thiếu nhiệt tình trong việc tiếp công dân.
       Trước tình hình đó, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên Khối các cơ quan tỉnh, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đó đề cao vị trí, vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong công tác xây dựng Đảng. Từ  đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy đã ban hành 38 loại văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện về công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, có 04 quy chế, 01 quy định, 09 quyết định, 01 hướng dẫn, 10 chương trình và 13 kế hoạch. Đặc biệt, Ban Thường vụ đã ban hành Quy trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để thống nhất thực hiện trong toàn Đảng bộ; ban hành Kết luận về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của cơ sở trong tình hình mới”; Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân của cán bộ thuộc diện các cấp ủy quản lý. Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Đảng ủy khối với các Ban của Tỉnh ủy và Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh; ban hành Văn bản phối hợp với Thanh tra tỉnh trong công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên. Xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí chấm điểm đánh giá, xếp loại công tác kiểm tra, giám sát hằng năm. Kết quả chấm điểm, xếp loại kết quả công tác kiểm tra, giám sát là căn cứ để Ban Thường vụ Đảng uỷ xét thi đua khen thưởng hàng năm đối với các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Việc tổ chức thẩm định chương trình công tác và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng trực thuộc là một trong những phương pháp, cách làm hay, hiệu quả. Công tác theo dõi, nắm bắt tình hình và kịp thời giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh từ cơ sở cũng được cấp ủy và ủy ban kiểm tra 2 cấp trong Đảng bộ quan tâm, chú trọng. Việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, đúng quy trình, quy định, góp phần tạo sự ổn định, phát triển của các cơ quan, đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào việc kiểm tra các chuyên đề, lĩnh vực nhạy cảm dễ dẫn đến sai phạm như kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ; công tác cán bộ…, quan tâm, chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn đạo đức, lối sống. Sau kiểm tra, giám sát đã kịp thời nhắc nhở, uốn nắn, chấn chỉnh những thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; nghiêm khắc, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các tổ chức đảng và đảng viên có biểu hiện cơ hội, thực dụng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, quan liêu đi đến suy thoái về chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.
       Cấp ủy 2 cấp đã tiến hành kiểm tra được 397 tổ chức đảng với 5.922 đảng viên; giám sát được 456 tổ chức cơ sở đảng với 7.775 đảng viên. Ủy ban kiểm tra 2 cấp đã kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm được 142 cuộc. Trong đó, kiểm tra 75 tổ chức đảng và 67 đảng viên; giám sát 421 tổ chức đảng với 5.809 đảng viên. Tiến hành xử lý kỷ luật 2 tổ chức đảng, 98 đảng viên. Trong đó, hình thức khai trừ: 05; Cảnh cáo 12; khiển trách 81. Quá trình kiểm tra, giám sát đã phát huy sức mạnh tổng hợp của tổ chức đảng, các cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân; kiên quyết khắc phục bệnh “hình thức”, làm chiếu lệ. Khi phát hiện thấy những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở cơ quan, đơn vị đã nhanh chóng làm rõ và kiên quyết đấu tranh, xử lý; không để tình trạng chỉ “kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm” hoặc “xử lý nội bộ”, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên vào hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát. Từ những kết quả đạt được của công tác kiểm tra, giám sát trong toàn Đảng bộ Khối, có thể khẳng định: cấp ủy và ủy ban kiểm tra 2 cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy và thực hiện tốt nhiệm vụ cấp ủy giao, nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh trong sạch, vững mạnh; góp phần ngăn ngừa, cảnh báo, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
       Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng. Quá trình hội nhập sẽ tạo ra nhiều thời cơ thuận lợi nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá, nhất là thực hiện âm mưu thủ đoạn “diễn biến hoà bình” để tạo sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ cán bộ, đảng viên; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng ngày càng bộc lộ rõ, thậm chí công khai và ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ngày càng khó khăn, phức tạp.
        Để tiếp tục đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện có hiệu quả NQTW4 gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
       Một là, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức và hành động trong cấp ủy, tổ chức đảng về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, trước hết, người đứng đầu cấp ủy phải có nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ngay từ cấp cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, có nền nếp trong từng tổ chức đảng và bảo đảm thực hiện đầy đủ về nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định. 
       Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp và chi bộ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả
Tập trung chỉ đạo kiểm tra, giám sát cấp uỷ viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp uỷ quản lý, trước hết là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở cơ quan, đơn vị, đoàn thể chính trị - xã hội. Tập trung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân sách, đầu tư phát triển, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện chính sách an sinh xã hội; công tác cán bộ; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc giữ gìn đạo đức, lối sống... 
     Ba là, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cần tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, giám sát; tiến hành kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; công tác tổ chức, cán bộ, đặc biệt nhân sự chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; có nhiều phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; kiên quyết xử lý các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong công tác cán bộ.
        Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; phát hiện, ngăn ngừa, xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Tập trung chỉ đạo khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại đã được chỉ ra qua kiểm điểm. Khắc phục tình trạng kiểm điểm của tập thể, cá nhân chưa sâu sắc, cụ thể; chưa kiên quyết chỉ rõ hạn chế, yếu kém; chưa chỉ ra được một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức lối sống, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí....tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Việc xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế phải cụ thể, gắn trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân; đưa kiểm điểm đi vào thường xuyên, gắn với đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cuối năm.
       Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên; xây dựng chương trình tu dưỡng, rèn luyện, đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Làm tốt hơn công tác phát hiện, tuyên truyền, phổ biến, nhân điển hình tiên tiến trong từng phòng, ban, chi bộ, nhằm giúp các tập thể, cá nhân học tập, áp dụng các mô hình mới, mô hình hay để làm phong phú, đổi mới hoạt động tại các cơ quan, đơn vị.
       Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, tồn tại, khuyết điểm từ cơ sở. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, chi bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, việc tự phê bình và phê bình. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và thường xuyên sâu sát cơ sở để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công./.

          Nguyễn Thị Huyền - Ủy viên BTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra

Truy cập
Hôm nay:
667
Hôm qua:
2224
Tuần này:
15233
Tháng này:
60071
Tất cả:
2838131