Những vấn đề cần quan tâm trong thực hiện công tác giám sát của chi bộ

Căn cứ Quy định số 86-QĐ/TW ngày 01/6/2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng, Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW ngày 12/9/2017 Ủy ban Kiểm tra Trung ương về hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 86-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng, trong thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã quan tâm tổ chức thực hiện công tác giám sát trong Đảng, đặc biệt quan tâm đến công tác giám sát ngay từ các chi bộ. Thông qua việc thực hiện công tác giám sát đã giúp các chi bộ đánh giá đúng hơn tình hình hoạt động của cán bộ, đảng viên; phát huy ưu điểm, cách làm hay, kịp thời chấn chỉnh, những lệch lạc trong nhận thức và hành động của đảng viên; giúp đối tượng được giám sát tự đánh giá được kết quả hoạt động của mình cũng như ưu điểm để phát huy, nhận ra những hạn chế, thiếu sót để kịp thời khắc phục, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đảng viên.

Bên cạnh đó, công tác giám sát của các chi bộ trong thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập là: nhiều chi bộ còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, chưa nắm rõ các quy định của Đảng về giám sát, đặc biệt là phạm vi, đối tượng, nội dung và phương pháp giám sát; chưa xây dựng được chương trình, kế hoạch giám sát, nhất là giám sát theo chuyên đề; chưa nắm được cách thức, quy trình thực hiện cuộc giám sát theo chuyên đề; việc giám sát thường xuyên chủ yếu mới tập trung vào đối tượng đảng viên không giữ chức vụ, ít thực hiện nội dung này với đảng viên là đối tượng cấp ủy cấp trên quản lý; còn lẫn lộn giữa nhiệm vụ kiểm tra và nhiệm vụ giám sát…

Để nâng cao chất lượng công tác giám sát của các chi bộ thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trong thời gian tới, các cấp ủy, chi bộ cần quan tâm một số nội dung sau:

A. NỘI DUNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁM SÁT CỦA CHI BỘ

I. LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC GIÁM SÁT

Chi bộ lãnh đạo công tác giám sát thông qua:

1- Triển khai, quán triệt Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình về công tác giám sát.

            2- Xây dựng phương hướng, nhiệm vụ; phân công cấp ủy viên (hoặc đảng viên) thực hiện công tác giám sát.

            3- Ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát.

            4- Nghe báo cáo và chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ giám sát; định kỳ sơ kết, tổng kết về công tác giám sát.

            5- Lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến công tác giám sát.

            6- Đề xuất với cấp có thẩm quyền về những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành các văn bản về công tác giám sát của Đảng.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ GIÁM SÁT

            1. Về phạm vi giám sát: Chi bộ giám sát đảng viên và nội dung giám sát thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ.

            2. Đối tượng giám sát: Chi bộ giám sát đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý).

            3. Nội dung giám sát

            Chi bộ giám sát đảng viên trong chi bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Tập trung giám sát việc thực hiện nghị quyết của chi bộ, thực hiện nhiệm vụ do chi bộ phân công và theo nhiệm vụ, tiêu chuẩn đảng viên; việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm và giữ mối liên hệ với tổ chức đảng nơi cư trú.

            Đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, chi bộ giám sát cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và việc thực hiện nghị quyết của chi bộ.

            4. Cách thức tiến hành giám sát

Chi bộ chủ yếu thực hiện giám sát thường xuyên, khi cần thiết thì thực hiện giám sát theo chuyên đề (đối với chi bộ có chi ủy, đông đảng viên, có các tổ đảng trực thuộc, đảng viên sinh hoạt phân tán hoặc có vấn đề phức tạp nảy sinh).

4.1. Giám sát thường xuyên

Chi bộ thực hiện giám sát thường xuyên bằng phương pháp trực tiếp và gián tiếp.

4.1.1. Chi bộ giám sát trực tiếp bằng cách

a) Theo dõi, đôn đốc đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Chi ủy viên (hoặc Phó bí thư chi bộ) được phân công phụ trách công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, kết quả về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đảng viên; trường hợp thấy đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm thì đề nghị đảng viên khắc phục.

Nếu có vấn đề phức tạp, cần báo cáo giải trình thì chi ủy viên báo cáo chi ủy xem xét, đề nghị đảng viên đó làm báo cáo giải trình với chi ủy hoặc chi bộ.

- Qua xem xét, nếu vấn đề đã rõ thì chi ủy nhắc nhở, đề nghị đảng viên được giám sát khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và báo cáo kết quả với chi bộ.

Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì chi ủy báo cáo chi bộ xem xét tại cuộc họp chi bộ như sau:

            + Nghe đảng viên được giám sát báo cáo;

            + Chi bộ thảo luận, góp ý cho đảng viên về những vấn đề liên quan;

            + Chủ trì cuộc họp thay mặt chi bộ nhận xét, đánh giá về nội dung giám sát, đề nghị đảng viên tiếp thu ý kiến góp ý và yêu cầu của chi bộ để khắc phục thiếu sót, khuyết điểm;

            + Chi ủy viên phụ trách công tác kiểm tra, giám sát theo dõi, giúp đỡ đảng viên được giám sát khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và báo cáo kết quả giám sát với chi bộ.

b) Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; bình xét, phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên.

- Chi ủy, trước hết là bí thư chi bộ thường xuyên nắm tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ đảng viên, ưu điểm, khuyết điểm (nếu có) của đảng viên để phục vụ việc giám sát trực tiếp trong cuộc họp chi bộ.

Tại cuộc họp chi bộ:

+ Từng đảng viên báo cáo tự phê bình và phê bình về việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

+ Chi bộ tham gia góp ý cho từng đảng viên được giám sát về ưu điểm, thiếu sót, khuyết điểm (nếu có).

- Trường hợp có vấn đề cần làm rõ, chi bộ yêu cầu đảng viên báo cáo cụ thể để chi bộ xem xét, nhắc nhở đảng viên khắc phục thiếu sót, khuyết điểm (nếu có); nếu vẫn chưa rõ thì báo cáo cấp trên hoặc tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

+ Đảng viên tiếp thu ý kiến và yêu cầu của chi bộ; đề ra biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm.

+ Bí thư, phó bí thư hoặc chi ủy viên phụ trách công tác kiểm tra, giám sát theo dõi, giúp đỡ đảng viên khắc phục thiếu sót, khuyết điểm; báo cáo kết quả giám sát với chi bộ.

4.1.2. Chi bộ giám sát gián tiếp bằng cách

- Nghiên cứu các văn bản, báo cáo, thông báo kết luận về các cuộc kiểm tra, giám sát.

- Kết quả tự phê bình và phê bình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của đảng viên trong chi bộ.

- Ý kiến trao đổi, phản ảnh, kiến nghị qua thanh tra, kiểm tra, giám sát của các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội; phản ảnh của các phương tiện thông tin đại chúng.

- Xem xét đơn tố cáo của đảng viên và quần chúng; khiếu nại của tổ chức, cá nhân đối với đảng viên.

4.2. Giám sát theo chuyên đề

a) Bước chuẩn bị: Chi bộ ban hành quyết định giám sát, lập tổ giám sát (tổ giám sát có ít nhất là 02 đồng chí); kế hoạch giám sát (kèm theo quyết định giám sát) và nội dung gợi ý đảng viên báo cáo giải trình về nội dung giám sát.

b) Bước giám sát:

- Đại diện cấp ủy chi bộ (nếu chi bộ có cấp ủy) hoặc bí thư chi bộ và tổ giám sát triển khai quyết định, kế hoạch giám sát cho đảng viên, yêu cầu đảng viên làm báo cáo giải trình về nội dung giám sát, thống nhất lịch trình giám sát.

- Tổ giám sát nhận, nghiên cứu báo cáo giải trình của đảng viên được giám sát và các tài liệu có liên quan đến nội dung giám sát; làm việc với tổ chức, cá nhân (khi cần thiết thì được thẩm tra, xác minh); dự thảo báo cáo kết quả giám sát.

- Tổ chức hội nghị chi bộ:

+ Chủ trì hội nghị chi bộ quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung hội nghị.

+ Đảng viên được giám sát báo cáo giải trình về nội dung giám sát.

+ Tổ giám sát báo cáo dự thảo kết quả giám sát.

+ Chi bộ thảo luận, góp ý về kết quả giám sát;

+ Chủ trì nhận xét, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, biện pháp khắc phục khuyết điểm của đảng viên được giám sát; yêu cầu đảng viên được giám sát tiếp thu ý kiến tham gia của chi bộ để thực hiện, sửa chữa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm (nếu có);

c) Bước kết thúc:

- Tổ giám sát hoàn chỉnh báo cáo kết quả giám sát, dự thảo thông báo kết quả giám sát trình bí thư hoặc phó bí thư chi bộ ký, gửi thông báo cho đảng viên được giám sát và báo cáo tổ chức đảng cấp trên.

- Yêu cầu đảng viên được giám sát sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm và khắc phục hậu quả (nếu có).

- Nếu phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì chi bộ kiểm tra hoặc báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

-  Lập và lưu trữ hồ sơ giám sát.

* Lưu ý

- Chi bộ không giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, trừ khi được ủy quyền. Nhiệm vụ cấp trên giao là công việc do tổ chức đảng cấp trên hoặc lãnh đạo, thủ trưởng cấp trên có thẩm quyền giao trực tiếp cho đảng viên không thuộc nhiệm vụ chuyên môn được giao và nhiệm vụ do chi bộ giao thường xuyên (theo quy chế làm việc hoặc theo chức trách, nhiệm vụ đã quy định).

- Chỉ có cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên được quyền giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên; tổ chức đảng cấp dưới không được giám sát tổ chức đảng cấp trên; đảng viên thực hiện việc giám sát theo sự phân công của chi bộ.

- Khi tiến hành giám sát phải thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, phương pháp công tác đảng, kết hợp chặt chẽ với giám sát của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân.

- Trường hợp phát hiện đảng viên được giám sát có dấu hiệu vi phạm thì chi bộ tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền tiến hành kiểm tra.

B. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Bên cạnh việc hiểu rõ, hiểu đúng nội dung công tác giám sát của chi bộ theo quy định của Đảng, trong thời gian tới để nâng cao chất lượng công tác giám sát của các chi bộ, các cấp ủy, UBKT Đảng ủy Khối cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác giám sát của chi bộ. Các cấp ủy đảng, trước hết là cấp ủy cơ sở phải tăng cường tổ chức nghiên cứu, quán triệt các quy định của Đảng về vị trí, vai trò, chức năng của chi bộ và công tác giám sát của chi bộ, trực tiếp và thường xuyên là cấp ủy chi bộ và bí thư chi bộ; phân công cấp ủy trực tiếp theo dõi, giúp chi bộ triển khai nội dung công tác này.

Thứ hai, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát cho cấp ủy chi bộ.

Thứ ba, hoạt động giám sát của chi bộ được xây dựng thành chương trình, kế hoạch ngay từ đầu nhiệm kỳ và hằng năm, tùy theo nội dung giám sát mà chi bộ thành lập các tổ công tác giúp chi bộ tiến hành hoạt động giám sát và thông qua kết quả giám sát với chi bộ. Các chi bộ thực hiện phương thức giám sát cần đa dạng, đúng quy định; nhất là việc giám sát thực hiện nhiệm vụ được giao, thông qua đánh giá tại các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, thông qua sơ kết định kỳ, nhằm giúp cho tổ chức đảng và đảng viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng chi bộ đảng trong sạch vững mạnh.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác giám sát của chi bộ đối với đảng viên, nhất là các đảng viên có chức vụ, đối tượng thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý. Trong công tác giám sát, tăng hoạt động giám sát theo chuyên đề đối với đảng viên, kết hợp cả giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp để có thông tin đầy đủ về đối tượng được giám sát.

Thứ năm, UBKT Đảng ủy Khối tham mưu tham mưu cho Ban Thường vụ có kế hoạch lãnh, chỉ đạo cấp ủy cơ sở sơ kết, tổng kết chuyên đề về hoạt động giám sát của chi bộ. Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng giám sát cho chi bộ và đảng viên; các yêu cầu chỉ đạo sau giám sát của chi bộ đối với đảng viên được giám sát./.  

                  Trần Thị Hồng Trang - Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT 
Truy cập
Hôm nay:
1205
Hôm qua:
2589
Tuần này:
8721
Tháng này:
53559
Tất cả:
2831619