Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Khuyến học, khuyến tài là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta đã tổng kết Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp hèn”. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo cho việc học tập của người dân, Bác mong muốn“đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc chủ trương của Bộ Chính trị về việc thành lập Hội Khuyến học các cấp với mục tiêu: “Đẩy mạnh phong trào học tập trong Nhân dân bằng hình thức giáo dục chính quy và không chính quy; thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập. Xây dựng xã hội học tập vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và là nhiệm vụ lâu dài; vừa là trách nhiệm của mọi người; vừa là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội”; trong thời gian qua, bám sát Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các cơ quan, doanh nghiệp”; Điều lệ, chương trình hành động của Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hoá; dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Hội Khuyến học Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã không ngừng phát triển cả về tổ chức, hội viên và các hoạt động; luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và đạt được những kết quả khá toàn diện và tạo ra được những chuyển biến mới trên nhiều mặt hoạt động.

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh thời gian qua đã góp phần tích cực trong nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của tổ chức Hội Khuyến học và công tác khuyến học, khuyến tài trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; các hoạt động khuyến học, khuyến tài được chú trọng hơn, phong trào thi đua lao động, học tập được quan tâm triển khai thực hiện, nổi bật là: Toàn Khối hiện có 90 tổ chức cơ sở hội với hơn 13.500 hội viên; có trên 600 lượt cán bộ được cử đi đào tạo bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sỹ, tiến sỹ; trên 3.000 cán bộ, hội viên học Cao cấp lý luận chính trị và Trung cấp lý luận chính trị; trên 1.100 đề tài khoa học và sáng kiến kinh nghiệm được triển khai nghiên cứu, nghiệm thu, ứng dụng; Có 30 hội viên được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; khen thưởng cho trên 1.000 lượt cán bộ, hội viên đạt thành tích cao trong công tác, học tập; khen thưởng cho hơn 8.000 lượt con cán bộ, hội viên, học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập với số tiền hàng chục tỷ đồng... Các hoạt động khuyến học đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập sâu rộng trong toàn Khối; nhiều gia đình nhờ sự giúp đỡ của Hội đã bảo đảm được việc học tập cho con, cháu; nhiều học sinh, sinh viên không bị gián đoạn trong học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội. Những hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực và nhân văn đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của tỉnh trong thời gian qua. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến học, khuyến tài của Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh còn bộc lộ một số mặt tồn tại, hạn chế cần trao đổi, rút kinh nghiệm, đó là việc quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, hội viên chưa thật sâu rộng; chưa tập hợp được sức mạnh của các tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên trong công tác khuyến học, khuyến tài; công tác chỉ đạo thành lập, phát triển tổ chức Hội, hội viên ở một số cơ quan, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong các doanh nghiệp; việc chỉ đạo xây dựng đơn vị học tập trong các Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Việc học không chỉ ngày nay mới có mà có truyền thống lâu đời từ rất xa xưa. Với Việt Nam, việc học trở thành một hoạt động chính quy của xã hội xuất hiện gần 1.000 năm, nếu lấy mốc là khi Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng.

Tính trung bình, một người trưởng thành phải dành 12-20 năm để đi học và hiện nay, mỗi người cần xác định phải không ngừng học tập, “Học tập suốt đời” để thích nghi với cuộc sống đang vận động, phát triển ngày càng nhanh chóng. Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một tấm gương vĩ đại về tự học và học tập suốt đời, Bác căn dặn: “Học không bao giờ cùng. Học mãi tiến bộ mãi. Càng tiến bộ càng thấy phải học thêm”; “học hỏi là một công việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn bó lý luận với thực tế. Không ai có thể tự cho mình là đã biết đủ, biết hết rồi”.

Sau ngày Quốc khánh 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống nạn thất học (10/1945); và trước lúc đi xa Bác đã gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục yêu cầu “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Từ việc coi trọng tầm quan trọng của sự học đối với tiền đồ quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi mục đích của sự học là để phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. Xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh không có cái học nào hơn sự học để làm người, giúp đời, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. Học không phải vì cái cá nhân chật hẹp “vinh thân phì gia”, mũ cao áo dài, cân đai võng lọng, mà học có một mục đích, ý nghĩa cao đẹp, tràn đầy lý tưởng nhân văn để làm người, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, làm lợi cho dân, cho nước.

Việc học ngày nay càng trở nên hết sức quan trọng đối với mỗi chúng ta. Muốn hội nhập, phát triển và phát triển nhanh, phát triển bền vững thì không có cách nào khác là mỗi người chúng ta, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải chú trọng việc học, tự giác học tập thường xuyên, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.

Đại hội Hội Khuyến học Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh lần thứ II, nhiệm kỳ 2021-2026 đã xác định rõ phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới là: Phát huy sức mạnh của tổ chức cơ sở Hội trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; vận động cán bộ, hội viên tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác, đẩy mạnh phong trào tự học, tự nghiên cứu, học tập thường xuyên, học tập suốt đời; tiếp tục củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức Hội và hội viên; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trở thành phong trào thi đua trong các cơ quan, doanh nghiệp, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Đại hội cũng xác định rõ các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu.

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến học, khuyến tài trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tiếp tục tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với học tập và làm theo tấm gương "Học tập suốt đời" của Bác Hồ và chăm lo cho "Ai cũng được học hành", "Vì lợi ích trăm năm trồng người", tạo điều kiện và cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, được học tập thường xuyên; hướng các hoạt động khuyến học, khuyến tài vào xây dựng cơ quan, doanh nghiệp thành đơn vị xã hội học tập.

Tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; coi trọng sơ kết, tổng kết, tuyên truyền, biểu dương các mô hình, điển hình tiên tiến, gương sáng trong học tập, nghiên cứu khoa học, thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng đơn vị học tập.

Hai là, tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức cơ sở Hội, phát triển hội viên. Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong xây dựng đơn vị học tập, là nòng cốt trong tham mưu và phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức việc học thường xuyên cho các hội viên đạt tỷ lệ cao và xác định là nhiệm vụ chủ yếu của của tổ chức Hội trong các cơ quan, doanh nghiệp. Kịp thời kiện toàn đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nâng cao năng lực tham mưu, tư vấn, phối hợp trong công tác khuyến học, khuyến tài. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội.

Ba là,  đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua. Làm tốt việc vận dụng và ban hành các tiêu chí cụ thể về xây dựng gia đình học tập, công dân học tập, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp học tập. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để tham mưu cho cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên đăng ký và thực hiện chương trình học tập, coi trọng việc tự học, tự nghiên cứu; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia các đề án, đề tài, sáng kiến kinh nghiệm, trao đổi cách làm hay, sáng tạo góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập trong các cơ quan, doanh nghiệp. Tuyên truyền, biểu dương các tấm gương gia đình học tập, công dân học tập, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp học tập. Vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động lựa chọn ít nhất một hình thức học tập thường xuyên, liên tục, hiệu quả; đăng ký và thực hiện xây dựng gia đình học tập, công dân học tập. Hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thành lập tổ chức Hội Khuyến học. Vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp tham gia hội viên Hội khuyến học.

Bốn là, công tác phối hợp, chỉ đạo. Ban Thường vụ Hội Khuyến học Khối tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy khối, Ban Thường vụ Hội Khuyến học tỉnh; tăng cường phối hợp với các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các cấp Hội chủ trì, phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, hoạc tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, tổ chức khen thưởng, động viên cán bộ, hội viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập, công tác; tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tham gia các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; khen thưởng con cán bộ, hội viên đạt thành tích cao trong học tập.

Năm là, tiếp tục sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức vận động, xây dựng Quỹ khuyến học. Hội Khuyến học Khối và các tổ chức cơ sở Hội sáng tạo, linh hoạt trong vận động, xây dựng Quỹ khuyến học. Các tổ chức Hội ưu tiên dùng quỹ khuyến học để khuyến khích, giúp đỡ các thành viên học tập có hiệu quả.

Sáu là, công tác thi đua, khen thưởng. Đẩy mạnh và làm tốt công tác khen thưởng, giành ít nhất 50% Quỹ khuyến học hằng năm để khen thưởng cho cán bộ, hội viên, học sinh, sinh viên, con cán bộ, hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, học tập, nghiên cứu khoa học. Khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm chăm lo và tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Với truyền thống yêu nước, cách mạng và hiếu học, chúng ta tin tưởng sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sẽ thu được nhiều thắng lợi mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Lê Hải Quân

Ủy viên BTV Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Tuyên giáo, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh

Truy cập
Hôm nay:
1102
Hôm qua:
2077
Tuần này:
10968
Tháng này:
30518
Tất cả:
2124280