Nâng cao chất lượng công tác chuyên môn của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên Phòng Chính trị - Xã hội Báo Thanh Hóa

Nâng cao chất lượng công tác chuyên môn của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên Phòng Chính trị - Xã hội Báo Thanh Hóa

(Tham luận tại Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW của tập thể Phòng Chính trị - Xã hội Báo Thanh Hóa)

-------------

Kính thưa các đồng chí đại biểu!

Kính thưa Hội nghị!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời là cây bút báo chí xuất sắc - từng khẳng định “Cái bút là vũ khí sắc bén, tờ báo là tờ hịch cách mạng…”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong suốt hơn 60 năm ra đời và phát triển, Báo Thanh Hóa - cơ quan của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa - luôn bám sát và phản ánh chân thực, sinh động mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời, khẳng định vai trò là lực lượng tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Để có được điều đó, Báo Thanh Hóa xác định, con người hay chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên là “chìa khóa” cho phát triển. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu, Báo Thanh Hóa đã đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, chuyên môn nghiệp vụ ngày càng hoàn thiện… nhằm  nâng cao chất lượng tờ báo cả về hình thức và nội dung.

Đến nay, cùng với sự lớn mạnh của đội ngũ những người làm báo Báo Thanh Hóa, Phòng Chính trị - xã hội (1 trong 2 phòng phóng viên chủ lực của Báo Thanh Hóa) cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ. Hiện phòng có 22 người (gồm 1 trưởng phòng, 1 phó phòng và 20 phóng viên). Về trình độ: có 3 người trình độ thạc sĩ, 19 người trình độ đại học; 2 người trình độ cao cấp lý luận chính trị); có 16 đảng viên sinh hoạt tại chi bộ Chính trị - xã hội.

Như chúng ta đã biết, cùng với sự thay đổi sâu sắc và toàn diện của quê hương, đất nước, hoạt động báo chí nói chung, tác nghiệp của nhà báo nói riêng, cũng có nhiều thay đổi. Trong đó, yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Song thực tế hoạt động báo chí hiện nay cho thấy, sự sa sút đạo đức nghề báo đang có dấu hiệu phát sinh trong một bộ phận phóng viên, nhà báo xuất phát từ mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi tiện ích công cụ truyền thông và đặc biệt là sự “thống trị” của mạng xã hội khiến “ai cũng có thể thành nhà báo”, đã đặt ra áp lực rất lớn đối với các cơ quan báo chí và người làm báo.

Trước thực trạng ấy, là phóng viên cơ quan báo Đảng, yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất đặt ra cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên Báo Thanh Hóa nói chung, phòng Chính trị - xã hội nói riêng, là thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, ra sức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị; luôn luôn tự ý thức trau dồi kỹ năng, kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt là luôn giữ mình và giữ cho ngòi bút của mình hướng tới độc giả và nhận được sự tôn trọng từ phía bạn đọc. Chính sự nghiêm cẩn trong cách viết, tâm huyết trong nghề nghiệp, sự sắc sảo trong thể hiện đã và đang góp phần khẳng định được vị thế của tờ báo và nhà báo. Đặc biệt, mỗi người làm báo luôn nỗ lực để giữ cho được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” như đúc kết của một nhà báo lão thành – một tấm gương về tinh thần lao động, tinh thần cống hiến không ngơi nghỉ.

Sản phẩm báo chí là sự kết tinh của trí tuệ, văn hóa của người làm báo. Nói cách khác, mỗi tác phẩm báo chí chất lượng được ví như một sản phẩm văn hóa, gắn với tâm huyết, tài năng, trí tuệ và quá trình sáng tạo nghiêm túc, trách nhiệm của người làm báo. Sáng tạo ra tác phẩm báo chí là kì công và qua đó, tác phẩm truyền tải đến  độc giả nhiều thông điệp ý nghĩa, có khả năng tác động đến tư tưởng, tình cảm, tư duy và hành động của con người. Điều này đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm nghề nghiệp rất cao. Chưa dừng lại ở đó, nghề báo là một nghề đặc biệt trong xã hội, vừa là người đưa tin, đồng thời là người chuyển tải, bồi đắp, nuôi dưỡng niềm tin cho công chúng. Mặt khác, sức lan tỏa nhanh nhạy, tác động sâu rộng đến xã hội và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của báo chí tới đông đảo công chúng đòi hỏi những người làm báo phải trách nhiệm với từng câu chữ, với từng con số, sự kiện, hình ảnh được thể hiện trên mặt báo.

Nắm vững điều đó, những năm qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên phòng Chính trị - xã hội luôn nhận được sự quan tâm định hướng, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Thanh Hóa; đồng thời, được tạo môi trường làm việc - môi trường báo chí tích cực, thuận lợi để thỏa sức thể hiện năng lực và cống hiến cho tờ báo. Cùng với đó, chúng tôi luôn được động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham dự các giải báo chí trung ương và địa phương – sân chơi nghiệp vụ hết sức bổ ích để người làm báo trau dồi kinh nghiệm, tri thức, kĩ năng nghề nghiệp… Cùng với đó, lấy việc việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với 10 điều quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam, trở thành giải pháp mấu chốt để xây dựng đội ngũ những người làm báo “vừa hồng, vừa chuyên”.

Kính thưa các đồng chí đại biểu!

Kính thưa Hội nghị!

Đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công và xu thế của nền báo chí hiện đại, Báo Thanh Hóa cũng đang ra sức đổi mới toàn diện để bắt nhịp xu thế, với phương châm “Đổi mới báo chí theo tinh thần văn hóa, một cách có văn hóa và phát triển theo hướng phát triển của môi trường văn hóa dân tộc”. Trong sự đổi mới ấy, con người – đội ngũ được xác định vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu. Bởi, đổi mới báo chí, nếu chỉ mới về nội dung, hình thức của tờ báo thôi là chưa đủ nếu con người – mà trực tiếp nhất là người làm báo không tự đổi mới mình. Với lớp nhà báo, nhất là nhà báo trẻ hôm nay, mà phòng Chính trị - xã hội hiện chiếm 2/3 là những nhà báo trẻ, việc tiếp thu cái mới là khá thuận lợi, song để làm mới mình từ trong nhận thức, tư duy đến hành động thực tiễn và cụ thể hóa trong các tác phẩm báo chí, lại cần đến tri thức và bản lĩnh. Trong sự phát triển và hướng đến đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, Báo Thanh Hóa đang đặt sự tin tưởng vào lớp nhà báo trẻ. Và chúng tôi xem đó vừa vinh dự cũng đồng thời là trách nhiệm lớn, để càng nỗ lực vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa vì sự phát triển, cũng như uy tín, vị thế của Báo Thanh Hóa trong nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay./.

 

Lê Thị Dung - Trưởng phòng Chính trị - xã hội, Báo Thanh Hóa

 

Truy cập
Hôm nay:
1939
Hôm qua:
1949
Tuần này:
1939
Tháng này:
63292
Tất cả:
2841352