Công tác dân vận của chi bộ và việc lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng của các đoàn thể chính trị - xã hội trong cơ quan, đơn vị

Chúng ta đều biết, tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được đúc kết từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong các phong trào cách mạng và lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Ngay từ thế kỷ XV và thực tế của nhiều triều đại phong kiến, nhà đại thi hào Nguyễn Trãi đã có những nhận định rất quan trọng: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định và ông đã rút ra kết luận thật sâu sắc: Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể "chở thuyền", nhưng nước cũng có thể "lật thuyền".

Chủ nghĩa Mác-Lênin dạy rằng: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Đảng Cộng sản muốn lãnh đạo cách mạng phải liên hệ chặt chẽ với Nhân dân; cách mạng muốn thắng lợi phải được đông đảo nhân dân ủng hộ. Lênin nhiều lần khẳng định: Nguồn gốc chủ yếu sức mạnh của Đảng là ở mối liên hệ mật thiết với nhân dân; đội tiên phong chỉ làm tròn được sứ mệnh lịch sử của mình một khi nó biết gắn bó với quần chúng mà nó lãnh đạo và thật sự dẫn dắt toàn thể quần chúng tiến lên. Người nhấn mạnh rằng, đối với một đảng cầm quyền, "một trong những nguy cơ lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Và chính nhờ thế mà mặc dù với số lượng không đông, Đảng ta vẫn có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất. Làm tốt công tác dân vận và liên hệ mật thiết với nhân dân là truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh vô địch của Đảng ta.

Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác dân vận và thực tiễn đặc thù của đơn vị, Chi bộ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống thuộc Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa luôn xác định và thực hiện hiệu nhiệm vụ thực hiện công tác dân vận trong những năm đã qua và những năm tiếp theo đó là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của công tác dân vận tại đơn vị. Vận động và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; vận động quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia góp ý, nhận xét, phê bình cho cấp ủy, cá nhân đứng đầu cấp ủy, tổ chức, về sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; phê bình cán bộ đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên, người lao động trong phạm vi lãnh đạo của chi bộ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác dân vận trên, Chi bộ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống đã tập trung thực hiện thật tốt những nội dung trọng tâm sau: Vận dụng linh hoạt cả cơ sở lý luận, bài học kinh nghiệm và thực tiễn để áp dụng cho công tác "dân vận đặc thù" trong đó có hai nội dung cơ bản nhất: Vận động để cán bộ, viên chức, diễn viên ổn định tư tưởng, yên tâm công tác và chấp hành nghiêm các quy định, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện tốt những nội quy, quy chế của đơn vị, đồng thời làm tốt công tác vận động nhân dân địa phương nơi đơn vị trú đóng nhằm tạo sự đồng thuận, hỗ trợ giúp đỡ đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Chi bộ đã chỉ đạo chuyên môn thông qua các hoạt động, các buổi biểu diễn, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa để tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị - văn hóa – xã hội với nhiều hình thức phong phú, gắn với chủ đề tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, chủ quyền biên giới, hải đảo; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐNN các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; Nghị quyết số 33-NQ/TW và Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện; Nghị quyết số 58 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các hoạt động Mừng Đảng Mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn. Trong những năm qua Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống đã xây dựng, dàn dựng các vở diễn, các chương trình nghệ thuật mang bản sắc Xứ thanh, tổ chức đi biểu diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nhà hát cũng luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lớp nghệ sỹ kế cận; tạo điều kiện cho các nghệ sỹ tham gia nhiều lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn. góp phần vào công tác giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và của đất nước nói chung.

Chi bộ luôn quan tâm và thực hiện tốt “Dân vận khéo" trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên lấy đó làm nòng cốt cho mọi hoạt động của đơn vị. Trong thời gian qua công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã có những chuyển biến tích cực, cán bộ, đảng viên qua học tập đã thể hiện tính gương mẫu thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ được giao. Lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng. Chi bộ thực hiện nghiêm túc điều lệ đảng quy định mỗi tháng sinh hoạt một kỳ. Nội dung sinh hoạt được chuẩn bị đầy đủ, rõ ràng, phù hợp với từng thời điểm; luôn chú trọng việc phối hợp công tác giữa tập thể lãnh đạo đơn vị với Ban chấp hành Công đoàn đơn vị, Đoàn Thanh niên… nhằm nắm bắt tình hình hoạt động cũng như tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên. Trên cơ sở đó, lãnh đạo đơn vị tiếp thu và tổ chức thực hiện phù hợp với tâm tư, nguyện vọng chính đáng của viên chức, diễn viên, người lao động. 

Bên cạnh những thành tích, tiến bộ, công tác dân vận của chi bộ cũng còn những mặt hạn chế, đó là: Việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định của Đảng về công tác dân vận hiệu quả chưa cao; chưa đánh giá, dự báo kịp thời những diễn biến tư tưởng; nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng chưa có nhiều đổi mới, chưa đầu tư thoả đáng cho công tác dân vận.

Để khắc phục được những hạn chế và giữ vững vai trò, vị thế, sự ổn định và phát triển bền vững của đơn vị. Nhằm nâng cao chất lượng việc đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng của các đoàn thể chính trị - xã hội trong cơ quan, Chi bộ tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1, Ban hành Nghị Quyết, Đổi mới, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng lãnh đạo đối với các tổ chức đoàn thể của đơn vị. Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả và đi vào chiều sâu; tập trung lãnh đạo, khuyến khích đoàn viên, hội viên tham gia tích cực các phong trào thi đua, đi đầu trong nghiên cứu khoa học, học tập, trao đổi nghiệp vụ, gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử, văn hóa nghề nghiệp; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ, đảm bảo công khai, minh bạch mọi hoạt động của đơn vị. Tích cực chỉ đạo việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các tổ chức đoàn thể đó là:

2, Đối với Công đoàn: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn trong sự nghiệp phát triển đơn vị. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua; chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, chủ động, tích cực trong việc tham gia quản lý đơn vị.

3, Đối với Chi đoàn Thanh niên: tiếp tục thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhằm nâng cao vai trò của ĐTN CS HCM; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và định hướng lý tưởng cho đoàn viên thông qua các buổi tọa đàm, giao lưu, trao đổi. Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng thông qua các hoạt động thực tiễn gắn với đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; xây dựng lực lượng xung kích đoàn viên thanh niên thời đại mới văn minh, chuyên nghiệp, hội nhập. Đi đầu trong đổi mới, nâng cao chất lượng biểu diễn, là lực lượng nòng cốt của đơn vị trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, dịch họa, phòng chống cháy nổ trong đơn vị.

4, Đối với Chi Hội Cựu chiến binh: phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết nhất trí, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ, đóng góp với Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành; nâng cao chất lượng tổ chức và hiệu quả hoạt động, xây dựng chi Hội trong sạch vững mạnh toàn diện; gương mẫu trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ của đơn vị.

Phạm Văn Hóa - Đảng bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Truy cập
Hôm nay:
385
Hôm qua:
2297
Tuần này:
4373
Tháng này:
11685
Tất cả:
2105447