Để “đội dự bị” là cánh tay nối dài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (Bài 1): Nhận diện những nguy hại

Sự “bành trướng” nhanh chóng dựa trên “thế giới phẳng”, với sức hút khó cưỡng và lượng người dùng gia tăng theo cấp số nhân, mạng xã hội (MXH) đã và đang cho thấy quyền năng đặc biệt của nó khi tạo ra một “thế giới ảo” song hành cùng đời sống thực. Ở đó, con người “xây” nên những cộng đồng lành mạnh, nhưng cũng xuất hiện những cộng đồng cá biệt - tiêu cực, được bồi đắp từ các loại “rác” của nhận thức và hành vi trái pháp luật... 

a.jpg

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ ban chỉ đạo 35 các cấp. Ảnh: PV

Nhận diện những âm mưu

Có những cuộc chiến kịch liệt trên không gian mạng giữa 2 “phe” nhưng mãi vẫn bất phân thắng bại. Có những thông tin hết sức mập mờ, lấp lửng không rõ nguồn gốc vẫn được like (thích), share (chia sẻ) chóng mặt mà không cần kiểm chứng. Có những cuộc “hành hình tập thể” một cá nhân hoặc tập thể nào đấy nhưng mãi không được giải oan... Cứ thế, MXH đã và đang hồn nhiên trở thành một “diễn đàn tự do” cho một số người thiếu hiểu biết, một số người chủ mưu, những thế lực thù địch, phản động thực hiện những việc không “trong sáng”.

Tôi có một người thân kinh doanh bất động sản, biết tôi đang muốn tìm mua một mảnh đất làm nhà nên anh bảo: Em nên mua sớm đi, nếu có điều kiện thì nên mua thêm vài suất, bởi anh nghe nói sắp tới Luật Đất đai sửa đổi, khi đó giá đất tăng, sẽ khó mà mua được. Ở quê anh, cán bộ, người dân có tiền là đang thu mua rầm rập. Tôi hỏi lại anh nghe thông tin này ở đâu vậy?. Anh liền mở điện thoại cho tôi xem các trang mạng đang chia sẻ trên facebook với các nội dung về các dự án sắp đầu tư, sắp triển khai tại địa phương này, địa phương kia; nhiều đối tượng đã vẽ ra các dự án và gom đất để sau này bán... Sau khi đọc kỹ các nội dung bài viết, tôi mới tá hỏa bởi đây đều là những thông tin bịa đặt, sai sự thật. Tôi liền nói với anh: “Đây là những trang mạng “ảo”, đăng toàn bài câu like, câu view nhằm thu hút người xem để kích cầu mua đất và cũng nhằm mục đích kích động, chống phá, gây hoang mang dư luận với những câu view như: "Sửa đổi luật là vì lợi ích nhóm”; “Sửa luật nhằm tăng giá đất”... Nếu để ý kỹ một chút, anh sẽ thấy các nội dung này đều đã được cóp nhặt, hình ảnh thì cắt ghép, mục đích của chúng chính là nhằm gây nhiễu loạn thông tin, gây rối, kích động, nói xấu Đảng, Nhà nước, làm cản trở chủ trương của Đảng. Còn tại sao Nhà nước phải sửa đổi, đơn giản vì để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, một số quy định của luật đã không còn phù hợp, dẫn đến kẽ hở để một số nhóm đối tượng lợi dụng, trục lợi, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin là cơ hội để truyền thông lan tỏa, đó là một trong những điều kiện để mở rộng dân chủ. Thế nhưng, không ít tổ chức, cá nhân đã lợi dụng vấn đề này để tung tin thất thiệt, bịa đặt các tình tiết về các vụ việc, vụ án hòng “câu view”, “câu like”, hướng lái dư luận vào mục đích cụ thể, thực dụng hơn cả là kiếm tiền từ trên mạng. Còn nhớ đợt dịch COVID-19, theo câu chuyện của một vị bác sĩ tên Trần Khoa đăng tải trên MXH, nội dung về hình ảnh người mẹ bị nhiễm COVID-19 nặng phải thở máy và được đưa vào bệnh viện nơi bác sĩ này đang công tác. Và nằm bên cạnh giường của mẹ bác sĩ là một sản phụ đang mang thai bị mắc COVID-19, tuy nhiên do máy thở của bệnh viện thiếu nên vị bác sĩ đã rút máy thở của mẹ mình để nhường máy thở, cứu giúp sự sống cho người sản phụ. Đó là câu chuyện, việc làm vô cùng cảm động và nhân văn. Câu chuyện sau khi được bác sĩ này đăng tải, trong thời gian rất ngắn đã thu hút rất nhiều người gọi điện thoại, đã có hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, bình luận; nhất là đã có rất nhiều nhà báo nổi tiếng, người nổi tiếng cũng tham gia chia sẻ câu chuyện. Tuy vậy, sau khi xác minh sự việc, cơ quan an ninh đã kết luận: Không có bệnh viện nào của TP Hồ Chí Minh có bác sĩ tên Trần Khoa; không có bệnh viện nào ở TP Hồ Chí Minh có câu chuyện mẹ của bác sĩ được đưa vào chính bệnh viện con mình đang công tác để điều trị; cũng không có câu chuyện nào về người rút máy thở của người này để đưa cho người khác và cuối cùng là hình ảnh avata rút máy thở đăng trên MXH có nguồn gốc là hình ảnh của một vị bác sĩ ở Singapore. Vì vậy, đây là câu chuyện hoàn toàn không có thật ở Việt Nam. Nhưng nhiều bình luận lại có quan điểm cho rằng đây là câu chuyện nhân văn, cần lan tỏa cũng không sao. Tuy vậy, bản chất của người đăng tải câu chuyện này lại không có mục đích nhân văn như nhiều người vẫn tưởng, mà chính là lợi dụng câu chuyện để thu hút nhiều người, lòng tốt của mọi người để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và ai có lòng thương thì chính là lại bị đặt sai chỗ, tiếp tay cho kẻ xấu. Nguy hiểm hơn việc đăng tải câu chuyện này cũng gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, gây hoang mang trong Nhân dân đó là có cái nhìn bi quan về một TP Hồ Chí Minh đang trong thảm cảnh rất bi đát, thiếu cả máy thở đến mức phải rút máy thở của người này để nhường sự sống cho người khác...

Điều tai hại là sự bịa đặt này được phát đi phát lại, kiểu “mưa dầm thấm sâu”, khiến cho người đọc chuyển từ phân vân đến nghi ngờ, rồi tin tưởng vào những điều không có thật. Đó cũng chính là điều mà thế lực thù địch và những kẻ giả mạo thông tin mong muốn, bởi chúng sẽ đạt được mục đích, vừa thực hiện được âm mưu xuyên tạc, đồng thời lấy được tiền của nhà mạng nhờ vào những trang, những sản phẩm có nhiều người theo dõi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều kẻ đã bất chấp đạo đức và luật pháp để bịa đặt thông tin hòng trục lợi, kiếm tiền từ sự tò mò, thiếu tỉnh táo của cộng đồng mạng.

Đến những mối nguy từ vi-rút “tẩy não”

Thời gian qua, sau hàng loạt vụ lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt giữ, như CEO Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Chủ tịch Tập đoàn FLC - Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bị bắt về tội thao túng thị trường chứng khoán; Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Chu Ngọc Anh bị bắt vì liên quan đến vụ Việt Á... thì gần như ngay lập tức MXH xuất hiện “luồng thông tin đen” từ các đối tượng cơ hội, phần tử phản động và một số cá nhân tự xưng là nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền. Để lôi kéo sự quan tâm của người dùng MXH, các đối tượng này đã tập trung “lên bài” cố tình suy diễn, quy chụp và thổi phồng một vài sự việc cá biệt thành “tình trạng đang phổ biến” và là hệ quả của chế độ XHCN, là “căn bệnh” do độc đảng mà ra. Đi đôi với những luận điệu xuyên tạc thể hiện rõ bản chất “thù địch”, “phản động”, “phá hoại”; chúng còn kích động, hô hào, xúi giục người dân gây rối trật tự an ninh, hoặc “tẩy não” khiến những người thiếu hiểu biết mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật cũng được ví như một “vi-rút” tẩy não được các phần tử phản động, thế lực thù địch triệt để lợi dụng như một chiêu bài để chống phá Đảng, Nhà nước. Ví như đối tượng Lisa Phạm, tức Phạm Thị Anh Đào, thường xuyên làm các clip xuyên tạc sự thật về công tác phòng, chống dịch; Lê Văn Sơn - đối tượng hoạt động tích cực cho các báo, đài phản động trong và ngoài nước, thường xuyên đăng tải các bài viết thể hiện quan điểm “đa nguyên, đa đảng”... Qua theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông, các video clip có nội dung phản động, xấu độc, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam hầu hết nằm trong số hơn 100.000 kênh do YouTube trực tiếp quản lý. Trong đó, đáng chú ý có khoảng hơn 100 kênh phản động chuyên nghiệp, thường xuyên đăng tải thông tin, tuyên truyền chống phá Nhà nước như: Việt Tân, Tiếng Dân, Đệ tam Cộng Hòa, Chân trời mới...

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ tỉnh, cho biết: “Sức hút khó cưỡng của các trang MXH chiếm phần lớn thời gian của người sử dụng, nhất là giới trẻ. Những câu chuyện thiếu văn hóa, hình ảnh bạo lực, nhất là các thông tin xấu, độc lại càng dễ dẫn dắt và lôi kéo người dùng. Nếu không biết chọn lọc kỹ càng, ứng xử trước các thông tin xấu, độc sẽ dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật”.

Trước những vấn nạn và thách thức mà thông tin xấu, độc đã và đang đặt ra hiện nay, tại hội nghị tập huấn kỹ năng nhận diện, phòng, chống thông tin xấu, độc trên internet và MXH tổ chức tại Thanh Hóa, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh, đây cũng đang là vấn nạn toàn cầu và việc quản lý hiệu quả MXH, ngăn chặn những mặt trái của nó là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.

Để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cho thế hệ trẻ nói riêng, người dân nói chung thì trước hết tự bản thân mỗi người cần chú trọng trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, nâng cao khả năng tự “miễn dịch” trước các luận điệu chống phá. Nắm vững và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong tiếp cận, khai thác thông tin, nhất là Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH. Mỗi thanh niên phải đề cao tính đấu tranh tự phê bình và phê bình, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, phát huy trách nhiệm nêu gương trong chấp hành điều lệ và các quy định của Đảng, Đoàn, của cơ quan, đơn vị; thận trọng trong phát ngôn, chia sẻ, bình luận, nhận định, đánh giá các vấn đề trên MXH. Đó cũng là cách lấy “xây” để “chống”, tỉnh táo để thoát khỏi “mê cung” thông tin, luôn đề cao tinh thần cảnh giác để tránh rơi vào cạm bẫy “ru ngủ” của các thế lực thù địch.

Nhóm Phóng viên - Báo Thanh Hóa

Truy cập
Hôm nay:
483
Hôm qua:
893
Tuần này:
12227
Tháng này:
52927
Tất cả:
2090967