Để “đội dự bị” là cánh tay nối dài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Bài 3: Để không chệch hướng

Trước những hệ lụy từ “thế giới ảo” đã và đang tác động sâu sắc vào đời sống xã hội thực, bản thân mỗi đoàn viên, thanh niên phải tự đề cao cảnh giác, làm sao để sử dụng mạng xã hội (MXH) một cách hiệu quả; không vượt qua “ranh giới” và nâng cao sức đề kháng để “miễn nhiễm” trước các thông tin xấu, độc...

3.jpg

Huyện đoàn Thọ Xuân tăng cường công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho các

 đoàn viên, thanh niên tại Khu di tích cách mạng Yên Trường (Thọ Lập). Ảnh: P.V

Nhận thức đúng quyền và nghĩa vụ

Theo cơ quan chức năng, thời gian qua nhiều địa phương thường xuyên cảnh báo đến người dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên về các tài khoản trên không gian mạng do các đối tượng thù địch, phản động lập ra nhằm xuyên tạc lịch sử, bôi xấu hình tượng lãnh tụ của nước ta; đồng thời dụ dỗ, lôi kéo giới trẻ tham gia, hình thành lực lượng đối lập, chống phá. Gần đây, các đối tượng này đã lập ra nhóm facebook như “Trại cháu Bác Hồ” và đưa những thông tin tiêu cực, xấu độc đan xen các vấn đề đời sống, xã hội để lôi kéo cộng đồng mạng tham gia vào nhóm... Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan an ninh đã tiến hành xác minh, điều tra nhiều đối tượng có hoạt động chống phá đứng đằng sau những tài khoản và nhóm trên MXH; đồng thời khởi tố, bắt tạm giam và đưa ra xét xử hàng chục đối tượng “cộm cán” trong các vụ án làm phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trong đó có các chủ tài khoản facebook như “Nguyễn Phương” (Phương Hằng Nhật), “Hoàng Dũng”, “Phạm Minh Vũ”... đã đăng tải các thông tin, tài liệu, hình ảnh, file âm thanh có nhiều lượt người theo dõi, bình luận với những nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kích động chống phá; xúc phạm danh dự, nhân phẩm các cá nhân, tổ chức; gây mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết nội bộ, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh - trật tự xã hội, gây hoang mang trong Nhân dân.

Trước những sự việc trên, tại một số diễn đàn MXH, một bộ phận thanh niên bày tỏ quan điểm về quyền sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, MXH, xem đó là một quyền tuyệt đối không có giới hạn. Cho nên việc đưa thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt... lên mạng cũng không phải chịu trách nhiệm gì. Đó là nhận thức sai lệch, thể hiện việc chưa hiểu rõ và nắm vững các quy định của pháp luật về quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin (TCTT) nước ta. Hiến pháp và nhiều bộ luật nước ta đã quy định rõ các quyền tự do ngôn luận, kể cả sử dụng MXH và quyền TCTT.

Năm 2016, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua Luật TCTT. Đây là một văn kiện pháp luật cụ thể hóa về quyền tự do ngôn luận, báo chí của Hiến pháp năm 2013. Theo quy định của Luật TCTT thì quyền TCTT là một quyền có thể bị hạn chế hoặc là quyền có điều kiện. Trong đó, luật này cũng quy định quyền và nghĩa vụ của công dân, đó là quyền: “Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về TCTT”. Và công dân có nghĩa vụ: “Tuân thủ quy định của pháp luật về TCTT; không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền TCTT”; không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp...

Về vấn đề này, Luật gia Hà Sĩ Thắng (Hội Luật gia tỉnh) chia sẻ: “Bộ luật Hình sự 2015 đã có những quy định bảo vệ các quyền này. Điều 288 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông “phạt tiền” người nào thực hiện nhằm “thu lợi bất chính”; “gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân” số tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng. “Phạt cải tạo không giam giữ” phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với những người: đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông “những thông tin trái với quy định của pháp luật"...

Còn về quyền tự do của con người, trên thế giới không một quốc gia nào coi quyền tự do của con người là tuyệt đối. Quyền tự do của mỗi con người trong từng quốc gia đều được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật của mỗi quốc gia đó. Trước những thách thức về vấn nạn tin giả, thông tin xấu, độc, nhằm góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam và chấn chỉnh những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, ứng xử trên MXH, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, trong đó nhấn mạnh cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, tổ chức, cá nhân phải chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động, bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo...

Trước đó, để xây dựng những “hàng rào bảo vệ” trên không gian mạng, Việt Nam đã xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng. Theo Luật gia Hà Sĩ Thắng, Luật An ninh mạng được ban hành đã hình thành cơ chế phối hợp, hiệp đồng tác chiến thông suốt giữa các lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý, khắc phục, ứng phó kịp thời với các tình huống an ninh mạng.

Nâng cao sức đề kháng cho thanh niên

Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” là nghị quyết quan trọng của Đảng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN ở nước ta trong bối cảnh bùng nổ thông tin. Nghị quyết quán triệt quan điểm hài hòa, chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Đó là nhiệm vụ cấp bách, vừa thường xuyên, vừa lâu dài. Trong nghị quyết, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được nêu đầu tiên là: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên internet"... Từ đó cho thấy, Đảng xác định thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, xung kích có vai trò quan trọng, quyết định đến sự thắng lợi trên mặt trận chính trị - tư tưởng ở nước ta.

4.jpg
Tỉnh đoàn Thanh Hóa ra mắt Câu lạc bộ Lý luận trẻ cấp tỉnh.

Xây dựng bản lĩnh thanh niên thông qua các giải pháp nâng cao nhận thức và rèn luyện bằng phong trào và hành động để tạo sức đề kháng tự thân cho thanh niên trước những tiêu cực xã hội, sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Từ đó, giúp thanh niên nhạy bén hơn với những vấn đề chính trị, xã hội, góp phần tích cực vào đấu tranh phản bác những thông tin và luận điệu sai trái trên không gian mạng, là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch năm 2023.

Bám sát chỉ đạo của Tỉnh đoàn, Bí thư Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Hoàng Mạnh Cường đã giới thiệu với chúng tôi nhiều hoạt động của tổ chức đoàn năm 2023, trong đó nổi bật có Diễn đàn “Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên” với chủ đề vai trò của tổ chức đoàn và đoàn viên, thanh niên Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trong tham mưu, triển khai nghị quyết của Đảng.

Tại diễn đàn đã có 20 người đăng ký tham luận, trong đó đáng chú ý có một số tham luận với chủ đề thanh niên với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thanh niên với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với những góc nhìn từ thực tế giúp đoàn viên, thanh niên thấy rõ được bản chất, âm mưu và phương thức, thủ đoạn của các hội nhóm phản động, thế lực thù địch đưa những thông tin xuyên tạc trên không gian mạng. Tại diễn đàn, bí thư đoàn thanh niên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nguyễn Văn Hòa nêu ý kiến: “Mỗi cơ sở đoàn, mỗi đoàn viên, thanh niên cần đa dạng phương thức tiếp cận, tuyên truyền về những nội dung, giá trị của bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia vào đấu tranh phản bác lại những bài viết có nội dung phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động trên không gian mạng. Cùng với đó cần lan tỏa, giới thiệu những thông tin tích cực, định hướng, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, hiểu biết pháp luật, tạo sức đề kháng cho thanh niên trước những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của xã hội”.

Một ý kiến khác của một cán bộ đoàn, cho rằng: Ở đâu có đoàn viên, thanh niên, đoàn cần mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp ở đó một cách linh hoạt. Đoàn cần linh hoạt thành lập tổ chức của đoàn, chi hội trên không gian mạng mà không phụ thuộc vào không gian, thời gian nhưng vẫn bảo đảm tôn chỉ, mục đích và hiệu quả hoạt động. Cùng quan điểm trên, một số ý kiến cho rằng cần sớm thành lập tổ chức của đoàn, hội trên không gian mạng, tạo không gian mở giao lưu, kết nối không biên giới cho bạn trẻ hiện nay.

Vừa qua, tại diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn” do Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức, câu hỏi về internet và MXH cũng đã nhận được sự quan tâm của nhiều đoàn viên, thanh niên. Chia sẻ tại diễn đàn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương, cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng lối sống văn hóa trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030. Để phát huy tốt lợi ích, giá trị của MXH; đồng thời khắc phục những mặt tiêu cực khi sử dụng MXH, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh 4 nội dung quan trọng, đó là: Mỗi bạn trẻ cần hình thành ý thức, thái độ và văn hóa sử dụng MXH tích cực; tự trang bị kho tàng tri thức, kiến thức và cập nhật thông tin, từ chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch của Trung ương Đoàn. Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia hoạt động xã hội của đoàn, hội. Qua đó, có lý luận và thực tiễn để nhận diện vấn đề. Ngoài ra, để giảm thiểu các thông tin tiêu cực thì sự chung tay của cộng đồng, của đoàn viên, thanh niên là rất cần thiết, nhất là trong việc lan tỏa các thông tin tích cực với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lan tỏa nhiều câu chuyện, hành động đẹp, nghĩa cử nhân ái... Song song với đó, đối với mỗi bạn trẻ ngoài kiến thức, cần có bản lĩnh chính trị để đấu tranh, phê bình, phản biện những thông tin xấu độc, hành vi chưa tốt, lệch chuẩn trên MXH.

Công tác bảo vệ đoàn viên, thanh niên và hỗ trợ giới trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng hiện nay đang là một trong những vấn đề cấp thiết, không chỉ của tổ chức đoàn mà cần được toàn xã hội quan tâm. Để giúp đoàn viên, thanh niên có một “lá chắn” bảo vệ mình trên không gian mạng, thời gian tới Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục hoàn thiện các mô hình, giải pháp để trang bị kiến thức, kỹ năng, định hướng thẩm mỹ cho đoàn viên, thanh niên; đồng thời đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động, sân chơi lành mạnh, bổ ích, sáng tạo giúp giới trẻ có một lăng kính sàng lọc thông tin tốt nhất. Đây được coi là môi trường, vũ khí sắc bén để mỗi đoàn viên, thanh niên nâng cao sức đề kháng cho mình và tạo sức lan tỏa những điều tích cực đối với thanh niên và cộng đồng tham gia MXH.

Nhóm Phóng viên Báo Thanh Hóa

 

Truy cập
Hôm nay:
1635
Hôm qua:
1856
Tuần này:
14536
Tháng này:
21322
Tất cả:
2473455