Lưu ý cán bộ, đảng viên khi lập và sử dụng Trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội

Việt Nam là một trong số những nước có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin, số người sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng, đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội (MXH) và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook, Zalo, Youtube cao nhất thế giới. MXH, internet không chỉ mang đến nguồn thông tin vô tận mà nó còn là nơi kết nối mọi người với nhau, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và gia tăng giá trị cuộc sống. Tuy nhiên, mạng xã hội với đặc tính “ảo” là môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch.

z5348830012281_46d500704397067b40631647e3b4282c.jpg
Hiện nay, việc lập một tài khoản MXH thật dễ dàng, việc đăng tải thông tin lên MXH cũng không gặp bất kỳ hạn chế nào. Để “câu view”, “câu like”, không ít tài khoản MXH đã đưa những thông tin giả, thiếu kiểm chứng, từ đó gây mất an ninh trật tự xã hội, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận. Tội phạm công nghệ cao lợi dụng mạng xã hội phát tán virus để thu thập thông tin các nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng... nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguy hiểm hơn là các thế lực thù địch và phản động dùng các nền tảng mạng xã hội để tăng cường xuyên tạc, tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước, lợi dụng các vấn đề thời sự nhạy cảm, được dư luận quan tâm để lôi kéo, kích động người dân chống đối chính quyền (Qua tổng hợp số liệu năm 2023, lực lượng CSHS Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 124 vụ liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, 225 đối tượng, thiệt hại trên 17 tỷ đồng. Trong đó, đã khởi tố 100 vụ với 187 bị can, xử phạt hành chính 08 đối tượng). Mạng xã hội khiến con người xa rời thực tế, làm giảm tương tác giữa mọi người xung quanh với nhau; nguy cơ mắc bệnh về tâm lý ngày càng tăng (Những người dùng mạng xã hội ít nhất 5 giờ/ngày có nguy cơ trầm cảm cao hơn 3 lần so với những người bình thường); người dùng cũng luôn đứng trước nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư (một số trang mạng xã hội đã bán thông tin cá nhân của người sử dụng, nguy cơ tài khoản MXH bị hacker hoặc virus).
Việc tham gia hay không tham gia mạng xã hội là quyền tự do của mỗi cá nhân. Song với vai trò và nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên đang công tác ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, mỗi người cần nhận thức đầy đủ về những mặt tích cực và tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội, nhất là xác lập thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn của bản thân trong giao tiếp, tiếp nhận, xử lý thông tin trên mạng xã hội.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, định hướng giúp chúng hiểu và sử dụng Mạng xã hội một cách an toàn, như: Luật An ninh mạng 2018; Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet và mạng xã hội; Hướng dẫn số 99-HD/BTGTW, ngày 20/3/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn cụ thể hóa thực hiện Quy định số 85-QĐ/TW. Ngày 15/11/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1337-CV/TU và Ngày 14/12/2023, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối ban hành Công văn số 1175-CV/ĐUK về triển khai thực hiện Quy định số 85-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về việc cán bộ, đảng viên thiết lập, sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet và mạng xã hội.
Khi tham gia mạng xã hội, cán bộ, đảng viên cần lưu ý:
1. Nhận diện đúng thông tin tích cực: Thông tin tích cực thường được đăng, phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng của các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình hoặc trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội chính thức của cơ quan Đảng, Nhà nước.
2. Nhận diện thông tin xấu độc: Thông tin xấu độc thường được đăng trên các phương tiện truyền thông của các tổ chức, cá nhân chống phá Đảng, Nhà nước như: Trang Việt Tân, Đài PVC. Thông tin gây giật gân, gấy sốc, thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Bài viết có định dạng, phông chữ lạ; không có sự thống nhất giữa tiêu đề và nội dung, hình ảnh minh họa, thời gian đăng tin và thời gian xảy ra sự kiện được phản ánh...
3. Thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 99 ngày 20/3/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện Quy định 85 ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội. Khai báo thông tin cá nhân, thông tin liên hệ, ảnh đại diện... khi thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân, tài khoản mạng xã hội cho Đảng ủy, chi bộ, cơ quan khi có yêu cầu. Không tạo lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân ẩn danh, nặc danh; giả mạo, mạo danh người khác. Hủy bỏ các trang thông tin điện tử cá nhân khi không còn sử dụng.
4. Không ngừng nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ động nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng cho bản thân nền tảng tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, khoa học, cách mạng, đủ trình độ đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.
5. Chủ động sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân, tài khoản mạng xã hội của mình để tuyên truyền lan tỏa thông tin chính thống, tích cực, chia sẻ cho nhau các bài báo hay, clip tốt, viết bình luận tích cực, tìm kiếm các thông tin tốt đẹp…
6. Tích cực tham gia đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Không truy cập vào các trang thông tin điện tử của các tổ chức, cá nhân phản động. Không bày tỏ cảm xúc, thái độ, bình luận, chia sẻ, đăng tải thông tin khi chưa được kiểm chứng. Chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung thông tin mà mình lưu trữ, cung cấp, tán phát, chia sẻ.
7. Tuyệt đối không được cho, cho mượn trang thông tin điện tử cá nhân để thực hiện các hành vi trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nắm vững “5 Không” khi tham gia mạng xã hội: Không tin ngay; Không tò mò; Không thêm bớt; Không vội chia sẻ, đăng tải và Không bị kích động, xúi giục.
Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối

Truy cập
Hôm nay:
987
Hôm qua:
1200
Tuần này:
2187
Tháng này:
55633
Tất cả:
2093673