Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong các doanh nghiệp

Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7/2013. Hiện nay Đảng bộ có 84 tổ chức cơ sở đảng (47 đảng bộ và 37 chi bộ cơ sở), với 5.490 đảng viên. Trong đó, có 28 tổ chức cơ sở đảng ở các doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước chi phối với 3.239 đảng viên; 11 tổ chức cơ sở đảng ở các doanh nghiệp có vốn cổ phần Nhà nước không chi phối, với 645 đảng viên; 45 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân với 1.627 đảng viên.

   ảnh 001.jpg

Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa
dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII

 
        Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ khối đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị về sản xuất kinh doanh, xây dựng đảng và các tổ chức đoàn thể vững mạnh, góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững. Đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, xây dựng quy chế làm việc, quy định mối quan hệ giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, ban lãnh đạo và các đoàn thể; từng bước đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm, tình hình của doanh nghiệp. Tích cực tham gia cùng với hội đồng quản trị, giám đốc đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp và người lao động hoạt động sản xuất, kinh doanh theo pháp luật; xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh. 
       Hầu hết tổ chức đảng và các cấp ủy đảng tại các doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 287-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư, giữ được vai trò lãnh đạo toàn diện, thật sự là hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp. Thực hiện chủ trương nhất thể hóa Bí thư đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị  hoặc giám đốc doanh nghiệp. Các tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần, phần lớn vẫn giữ được vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện; thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy – Chủ doanh nghiệp. Tổ chức đảng tại các doanh nghiệp tư nhân nhìn chung hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ tại quy định 170-QĐ/TW, ngày 07/3/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. 
        Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế đó là: Một số tổ chức đảng trong các doanh nghiệp chưa thể hiện được vai trò trong việc lãnh đạo cán bộ, đảng viên và người lao động thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; còn coi nhẹ công tác xây dựng đảng và các tổ chức đoàn thể; bí thư cấp ủy chưa phát huy hết vai trò của mình, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu còn thấp. Trong các doanh nghiệp tư nhân vai trò của cấp ủy đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh còn hạn chế, do chủ doanh nghiệp không phải là đảng viên hoặc là đảng viên nhưng không tham gia trong cấp ủy; hoạt động của tổ chức đảng phụ thuộc khá nhiều vào thái độ chính trị của chủ doanh nghiệp và vị trí, chức vụ của cấp uỷ viên trong doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp nhà nước, một số cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu tại một số đơn vị (Bí thư, Giám đốc doanh nghiệp) chưa đáp ứng, hài hòa được vai trò lãnh đạo tổ chức đảng với điều hành, quản lý doanh nghiệp; còn coi nhẹ công tác xây dựng Đảng. 
        Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát chủ yếu từ các nguyên nhân, đó là: Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp; khả năng vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước còn hạn chế. Việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa cấp ủy đảng với lãnh đạo doanh nghiệp ở một số doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước không chi phối, doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế. Một số cấp ủy Đảng chưa phát huy được vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp, thiếu chủ động trong việc phối hợp với chủ doanh nghiệp. Một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò của tổ chức đảng, chưa tạo điều kiện về thời gian, vật chất cho tổ chức đảng hoạt động. Cán bộ làm công tác đảng trong các doanh nghiệp chủ yếu là kiêm nhiệm nên chất lượng hoạt động còn hạn chế.
         Trong thời gian tới, để nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
         Một là, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Tại Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã chú trọng kiện toàn các cấp ủy, tổ chức đảng cho phù hợp với sự phát triển của các doanh nghiệp, đơn vị. Công tác lựa chọn, bầu cấp ủy viên đảm bảo tiêu chuẩn quy định, thực sự là người tiêu biểu, thực đức, thực tài. Để có được cấp ủy trong các doanh nghiệp vừa đủ tiêu chuẩn vừa đảm bảo cơ cấu, cần có sự chủ động chuẩn bị ngay từ việc xây dựng quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện; trong quá trình hoạt động của cấp ủy cơ sở, kiên quyết thay thế những cấp ủy viên yếu về năng lực, kém về phẩm chất, không năng động, để đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của cấp ủy. 
         Đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí cấp ủy tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước không chi phối theo đúng quy định 287, 288 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X. Đối với các đảng bộ, chi bộ khu vực tư nhân vận dụng theo hướng khuyến khích các đồng chí đảng viên là chủ doanh nghiệp, hoặc trong hội đồng quản trị đủ năng lực, có uy tín tham gia cấp ủy, giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư đảng bộ, chi bộ.
         Hai là, cấp ủy cơ sở phải ra nghị quyết đúng đắn, sát thực với chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và triển khai đến mọi cán bộ, đảng viên và người lao động trong doanh nghiệp biết và thực hiện. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đề ra các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, hiệu quả cao; kịp thời phản ảnh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.  
         Ba là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của tổ chức đảng, của tập thể cấp ủy, của từng cấp ủy viên trong từng loại hình doanh nghiệp, nhất là đối với chủ doanh nghiệp khu vực tư nhân. Xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, ban giám đốc; trong đó xác định rõ mối quan hệ, phối hợp giữa cấp ủy đảng với lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là phối hợp trong xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; trong giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp. Phân công nhiệm vụ cho từng cấp ủy viên cụ thể, rõ ràng.
          Từ đó sẽ giúp hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thuận lợi hơn, không bị động; các chương trình, kế hoạch của cấp ủy, tổ chức đảng đề ra cũng sát hợp với kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, hay cấp ủy và ban giám đốc, hội đồng quản trị sẽ cùng phối hợp lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ của doanh nghiệp.
         Bốn là, chú trọng phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, phát huy dân chủ trong sinh hoạt cấp ủy; nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên.
         Lãnh đạo xây dựng các đoàn thể trong doanh nghiệp vững mạnh gắn với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Bố trí được những đồng chí thực sự có năng lực làm công tác đoàn thể; chỉ đạo các đoàn thể thường xuyên phát động các phong trào thi đua hướng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của doanh nghiệp; tăng cường phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giảm chi phí, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và người lao động; xây dựng văn hóa doanh nghiệp văn minh và hiện đại gắn với thương hiệu doanh nghiệp.
         Năm là, làm tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy cơ sở và cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp. Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng cấp ủy nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đáp ứng với yêu cầu công tác Đảng trong thời kỳ mới.
          Để thực hiện tốt các giải pháp trên đây, ĐUK DN xác định trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phải luôn luôn giữ được sự đoàn kết, thống nhất, với sự quyết tâm , có kế hoạch thực hiện cụ thể cho cả nhiệm kỳ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm.

                                          (Bài tham luận của Đ/c Ngô Xuân Nhân, phó Bí thư Đảng ủy Khối
 tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020) 
 
Truy cập
Hôm nay:
1163
Hôm qua:
1949
Tuần này:
1163
Tháng này:
62516
Tất cả:
2840576