Quy định mới của Bộ Chính trị nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

TPO - Quy định mới của Bộ Chính trị nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Quy định số 114 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ vừa được Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ký ban hành thay thế cho Quy định 205/2019.

Quy định số 114 chỉ rõ các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn, như dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự…

Quy định mới của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ảnh 1

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai. Ảnh: IT

Cũng theo Quy định 114, hành vi chạy chức, chạy quyền là trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Cùng với đó là việc lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi...

Quy định mới của Bộ Chính trị nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong đó, có trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo….

Quy định số 114 cũng đề cập đến việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Quy định cũng nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi có thông báo nghỉ hưu, thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc đang bị xem xét kỷ luật, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo phải báo cáo và được sự đồng ý của thường trực cấp uỷ cấp trên trực tiếp trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Bộ Chính trị cũng nghiêm cấm việc trực tiếp hoặc thông qua người khác, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để lan truyền thông tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật nhằm đề cao bản thân, hạ thấp uy tín người khác trong công tác cán bộ…

Quy định chỉ rõ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm thì cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Cấp có thẩm quyền cũng xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định.
Nguồn: tienphong.vn

Truy cập
Hôm nay:
446
Hôm qua:
2048
Tuần này:
3713
Tháng này:
3713
Tất cả:
2578574