Tại sao chúng ta lại theo lý tưởng của Mác

Có bạn trẻ thắc mắc, tại sao nước mình theo Mác, mà không theo một nhà tư tưởng nào đó gần đây hơn, hiện đại hơn.

Vậy tôi hỏi các bạn, tại sao người ta lại theo Đức Phật Thích ca mâu ni, Chúa Giê su, Thánh Mô ha met… Các vị ấy cũng sống cách đây mấy ngàn năm đấy, còn Mác mới chỉ cách chúng ta khoảng 200 năm thôi. Câu trả lời chỉ có thể là, Mác và các vị ấy đều có chung nguyện ước đưa loài người đến một nơi tốt đẹp, khác xa với xã hội đương thời mà các vị đang sống. Đó là nơi không có nghèo đói, bóc lột, bất công, chiến tranh, bệnh tật... Điều khác biệt là, để đi đến được mục tiêu ấy, mỗi vị lại chỉ ra một con đường, cách thức khác nhau. Chúng ta đừng đòi hỏi các vị ấy phải chỉ cho mỗi người một cách cụ thể. Cũng giống như chúng ta đi học làm giàu, người dạy chỉ cung cấp những kiến thức chung nhất, chứ không thể bày cho anh A, chị B phải làm thế nào. Vì vậy, có người cả đời đi học làm giàu mà không thể giàu được, có người giàu rồi không giữ được lại phá sản. Vậy nên, có giàu được hay không, có đi đến mục tiêu hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự thông minh, sáng tạo, thậm chí cảm xúc của chính bản thân mình. Mác, Ăngghen, thậm chí Lênin cũng không biết Việt Nam là nước nào, các ông chỉ đưa ra những nguyên lý chung nhất, rằng muốn xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp thì phải làm thế này, thế kia, còn cụ thể thế nào thì phải do chính người Việt Nam mình vận dụng sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước mình chứ.

Trong các con đường, cách thức mà Mác dạy, có cái mãi mãi là chân lý, cũng giống như bạn muốn làm giàu thì trước hết phải tiết kiệm, phải biết đầu tư sinh lời… Tuy nhiên, cũng có những phương pháp trước đây đúng giờ chỉ đúng một phần thôi. Giống như kinh nghiệm của cha ông ta “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”, hàng nghìn năm trước đây là đúng,  nhưng bây giờ biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi, chuồn chuồn bay loạn cả lên. Vì vậy, không thể chỉ dựa vào chuồn chuồn được mà phải dựa vào dự báo thời tiết. Lại có phương pháp trước đây đúng, giờ không còn phù hợp nữa vì xã hội biến đổi rồi. Chẳng hạn, trước đây, trong nông nghiệp chúng ta cải tiến chiếc cày 51 để làm đất đã được coi là một phát kiến vĩ đại rồi. Bây giờ nhiều nơi đã dùng rô bốt cày ruộng, chẳng nhẽ chúng ta quay lại chửi rủa ông cha ta ngày xưa lạc hậu,  dốt nát hay sao. Thái độ đúng đắn nhất là chúng ta rửa sạch nó, trang trọng đặt vào bảo tàng để ghi nhớ và giáo dục thế hệ trẻ rằng, nhận thức của con người là một quá trình, không ai có thể biết mọi thứ, lịch sử luôn tiến lên phía trước và các bạn trẻ là những người phải làm giàu thêm kho tàng tri thức của nhân loại.

Những nhà tư tưởng chỉ ra được quy luật phát triển của  thế giới này đã là vĩ đại, những người chỉ ra được con đường, cách thức để cải tạo thế giới theo chiều hướng tốt đẹp hơn và trên thực tế đã làm thay đổi bộ mặt thế giới lại càng vĩ đại, luôn xứng đáng là những thiên tài. Mác là một trong những số đó. Ai đó có thể phê phán Mác điểm này, điểm khác, nhưng khát vọng đem đến cho tất cả mọi người, trước hết là những người lao động nghèo khổ được sống một cuộc đời ấm no, hạnh phúc trên đời thực này là một lý tưởng vô cùng nhân đạo và cao đẹp, không ai có thể phủ nhận được. Đó là lý do vì sao chúng ta ngưỡng mộ Mác, theo Mác và lấy tư tưởng của Mác làm chủ thuyết phát triển của mình các bạn ạ.

TS, CVCC Lương Ngọc Vĩnh - Trưởng Khoa Tuyên truyền,

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Truy cập
Hôm nay:
751
Hôm qua:
3309
Tuần này:
7841
Tháng này:
48541
Tất cả:
2086581