Định hướng công tác tuyên truyền tháng 10

1. Tuyên truyền đậm nét nội dung phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông

Nhận lời mời của Lãnh đạo cấp cao và Chính phủ Liên bang Nga, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông tổ chức tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga vào ngày 07/9/2022, theo hình thức phát biểu ghi hình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: (1) Diễn đàn có ý nghĩa thiết thực nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần duy trì ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất. Bên cạnh việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, Việt Nam cũng thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng ở mức cao, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tình hình chính trị - xã hội ổn định, các hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, hợp tác kinh tế, đầu tư, du lịch phục hồi toàn diện; (2) Việt Nam luôn tích cực và chủ động tham gia các sáng kiến đa phương, trong đó có các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực. Từ đó, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đóng góp tích cực vào phục hồi kinh tế và phát triển bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương. Về quan hệ kinh tế song phương Việt Nam - Nga, Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, đánh giá cao các kết quả hợp tác kinh tế giữa hai nước những năm vừa qua, nhất là trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp... Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, tận dụng hiệu quả và sớm nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU); (3) Việt Nam hoan nghênh việc gắn kết kinh tế Nga, nhất là vùng Viễn Đông, với các nước châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Nga. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối đẩy mạnh hợp tác ASEAN - Nga, trong đó có xây dựng Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - EAEU.

2. Tiếp tục tuyên truyền thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, chú ý nhấn mạnh về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 61/2022/QH15, ngày 16/6/2022 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 trên cơ sở Báo cáo số 166/BC-ĐGS, ngày 27/5/2022 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Theo đó, Quốc hội đã đánh giá việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI). Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật Quy hoạch còn có những bất cập, chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 chậm. Những tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập, việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm được giao, nhất là chưa chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt trong giai đoạn đầu.

Để tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP, ngày 26/8/2022 thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

3. Về tình hình Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Tuyên truyền khẳng định, hơn 70 năm qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, mặc dù có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính, tình hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Ðông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc. Trong tình hình hiện nay, việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phù hợp với lợi ích lâu dài của hai nước và Nhân dân hai nước, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đề nghị các đồng chí bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Bộ Ngoại giao và Ban Tuyên giáo Trung ương, tập trung tuyên truyền những thành tựu nổi bật của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; tăng cường thông tin tích cực về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc; hạn chế thông tin tiêu cực, thông tin xấu ảnh hưởng đến quan hệ hai Đảng, hai nước.

4. Tuyên truyền kỷ niệm 40 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (10/12/1982 - 10/12/2022); 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông - DOC (04/11/2002 - 04/11/2022) và 10 năm Luật Biển Việt Nam

Trong tuyên truyền khẳng định, sau Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Bốn thập kỷ từ khi ra đời (1982 - 2022), UNCLOS vẫn giữ vẹn nguyên giá trị và được coi là Hiến pháp của Đại dương.

Tuyên truyền nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò của DOC đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực; là cơ sở để tiến hành đàm phán COC thực chất, hiệu quả.

Chú trọng tuyên truyền chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển bền vững kinh tế biển; quyết tâm của Việt Nam trong phòng, chống hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

5. Kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng

1, Tuyên truyền các hoạt động Kỷ niệm 35 năm Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết vinh danh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Khóa họp lần thứ 24 của UNESCO diễn ra tại Paris, Pháp (từ ngày 20/10 - 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.65 ghi nhận “năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”.

Nghị quyết là minh chứng hùng hồn khẳng định sự đúng đắn, chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh của nhân loại trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Nghị quyết cũng là sự cổ vũ, ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước của Việt Nam, để từ đó đất nước ta có được những thành quả như ngày nay.

Sự vinh danh của UNESCO đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khẳng định tính đúng đắn của lý tưởng và con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn và toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang kiên định đi theo nhằm hiện thực hoá mong ước của Người, đó là “đem lại độc lập cho dân tộc” “đem lại cuộc sống tự do, ấm no và thực sự hạnh phúc cho tất cả mọi người”.

Sự vinh danh này là nguồn động viên, cổ vũ to lớn để tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây cũng là minh chứng mạnh mẽ phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi lan tỏa và nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo tới đời sống người dân và hội nhập quốc tế.

2, Tiếp tục tuyên truyền Kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022; Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022.

3, Tuyên truyền Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (1902 - 2022).

Đồng chí Lê Hồng Phong - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Bám sát Hướng dẫn số 67-HD/BTGTW, ngày 15/8/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương và các nguồn thông tin, tư liệu chính thống do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, phát hành đề nghị các đồng chí báo cáo viên, tuyên truyền viên chủ động xây dựng các chuyên đề chuyên sâu để tuyên truyền tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

4, Tuyên truyền Kỷ niệm 61 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2022)

Tuyên truyền khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong việc quyết định mở tuyến đường chiến lược quan trọng trên biển, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc; tuyên truyền những chiến công và thành tích vẻ vang của Đường Hồ Chí Minh trên biển; khẳng định Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng vinh quang, tự hào của cả dân tộc, hiện thân của ý chí và khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

 Tôn vinh, tri ân công lao, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” (Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2, Quân chủng Hải quân) và Nhân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Tập trung tuyên truyền, nêu bật sự mưu trí, sáng tạo, quyết đoán, ý chí quật cường, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao của lực lượng vận tải quân sự đường biển; những bài học kinh nghiệm quý về hoạt động của Đường Hồ Chí Minh trên biển; quá trình xây dựng lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, thật sự là lực lượng nòng cốt trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

5, Tuyên truyền Kỷ niệm 111 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2022):

Tuyên truyền nổi bật cuộc đời hoạt động cách mạng và công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong cuộc Cách mạng Tháng Tám (1945) và trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Công lao, đóng góp của đồng chí Lê Đức Thọ đối với việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, giúp cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khơme đỏ.

Khẳng định đồng chí Lê Đức Thọ là một cán bộ lãnh đạo có tài năng về nhiều mặt: Nhà ngoại giao tài ba, nhà thương thuyết có tầm nhìn chiến lược, khôn khéo; “kiến trúc sư” có công lớn đối với công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức; một tâm hồn thơ giàu cảm xúc, một nhà thơ để lại nhiều tác phẩm có giá trị trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam.

Tuyên truyền phẩm chất đạo đức cao đẹp của đồng chí Lê Đức Thọ - người chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, suốt đời trung thành, tận tụy với nước, với dân; đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn có tinh thần tiến công, lạc quan cách mạng, chủ động, quyết đoán và sáng tạo; hết lòng thương yêu đồng đội, đồng chí và đồng bào; nhà lãnh đạo tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; việc học tập và noi theo tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

 

Truy cập
Hôm nay:
2752
Hôm qua:
2482
Tuần này:
5234
Tháng này:
6800
Tất cả:
2521836